Mới nhất là bệnh nhân Mạnh, bị rắn hổ mang ẩn nấp trong gầm tủ phòng ngủ cắn vào rạng sáng 2/7. Ông được đưa vào trung tâm y tế huyện cấp cứu, không có thuốc đặc trị nên chuyển đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ sau ba giờ bị rắn cắn.

Lúc này, bệnh nhân đã bị hoại tử mu bàn chân phải, được truyền 30 lọ huyết thanh kháng nọc rắn hổ mang. Sau dùng huyết thanh, bệnh nhân giảm đau buốt, sưng nề. Ngày 5/7, tình trạng bệnh nhân ổn định hơn, không còn hoại tử.

Ba ngày trước đó, hai người khác cũng vào bệnh viện cấp cứu do bị rắn hổ mang và rắn lục bò vào nhà cắn. Họ được truyền tổng cộng 40 lọ huyết thanh để giải độc.

1-4190-1688560488.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=tlyq1Bdypy5MaXaL_BsHzQ

Chân hoại tử do rắn hổ mang cắn. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

TS.BS Hà Thị Bích Vân, Trưởng khoa Cấp Cứu, cho biết nhiều người liên tiếp bị rắn cắn do mùa mưa là giai đoạn sinh nở, phát triển của các loại rắn, nhất là rắn độc. Tình trạng biến đổi khí hậu và đô thị hóa đã phá vỡ môi trường sống của rắn nên chúng trú ẩn và kiếm ăn trong các khu vườn, tán cây, bụi cỏ, gần dân cư sinh sống và bò vào nhà cắn người.

Mỗi loài rắn có độc tính của nọc khác nhau. Triệu chứng, tình trạng ngộ độc của người bị rắn cắn phụ thuộc vào loài rắn, vị trí vết cắn. Điều trị hữu hiệu nhất là dùng huyết thanh kháng nọc rắn, thời điểm sử dụng tốt nhất là 6 giờ đầu, chậm nhất trong 24 giờ.

Vì vậy, người bị rắn cắn cần được xử trí và cấp cứu kịp thời để hạn chế tình trạng hoại tử tay chân, rối loạn đông máu, nhiễm trùng máu, thậm chí tử vong.

Từ cuối năm 2021, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ đã mua sắm huyết thanh kháng nọc rắn hổ mang và rắn lục điều trị cho bệnh nhân bị rắn độc cắn. Đến nay, gần 100 trường hợp được điều trị kịp thời mà không cần phải chuyển lên tuyến trên.

Lê Nga

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022