Sản phụ Nhiên tỉnh dậy tại Phòng hậu phẫu của Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội lúc 3 giờ chiều ngày 18/7. Cơ thể chị rất mệt, xung quanh bác sĩ và điều dưỡng đang hối hả hồi sức. Do bị mất máu và ca mổ kéo dài gần hai tiếng đồng hồ nên các ven bị lặn, khiến các bác sĩ phải lấy ven nhiều lần mới được.
"Lúc tỉnh lại, tôi không ngờ bản thân vừa vượt cửa tử, nghĩ cơ thể hơi mệt mà thôi. Trước ca mổ, gia đình đã được giải thích, song vì có kinh nghiệm mổ đẻ hai lần nên tôi không cho rằng sẽ quá nguy hiểm", chị cho biết.
Người chồng ở bên ngoài, sốt ruột vì chờ rất lâu không được thấy vợ. Một lúc sau, anh lại nghe điều dưỡng nói đã truyền rất nhiều máu trong cuộc mổ. Ngoài ra, em bé chào đời phải nằm trong lồng kính do bị ngấm thuốc mê từ mẹ. Bồn chồn, anh cứ đi lại trước cửa, xin được vào thăm vợ con.
Bác sĩ Hồ Văn Thu, Trưởng khoa Sản-Phụ khoa, Bệnh viện Việt Pháp Hà nội, cũng là bác sĩ trực tiếp thực hiện ca mổ này, cho biết trường hợp của sản phụ Nhiên là một ca khó, hiếm gặp. Trước đó, chị từng mổ đẻ hai lần, có tình trạng nhau tiền đạo và cài răng lược, tức bánh nhau phủ và xâm lấn tử cung khiến em bé không thể chào đời theo cách thông thường.
"Sản phụ có nguy cơ chảy máu khi sinh rất cao. Chúng tôi ưu tiên bảo tồn tử cung cho sản phụ, song đã tính tới khả năng phải cắt tử cung để đảm bảo an toàn tính mạng cho cả mẹ và em bé", bác sĩ Thu nói.
Áp lực đặt ra cho kíp mổ là lấy em bé an toàn và cầm máu thật nhanh để đảm bảo tính mạng của sản phụ. Tuy nhiên, do vết mổ của hai lần mổ đẻ trước làm tử cung dính vào thành ruột khiến việc bóc tách nhau thai rất khó khăn. Sau gần hai giờ phẫu thuật, các bác sĩ đã thành công.
"Chúng tôi khâu cầm máu và bóc tách thật khẩn trương. Lý do là máu chảy rất nhiều, chậm phút nào sản phụ mất thêm nhiều máu phút đó, mặc dù được truyền máu. Bên cạnh đó, chúng tôi phải đảm bảo chỉ số sinh tồn của sản phụ, đồng thời không được để sót nhau thai", bác sĩ Thu cho biết.
Sản phụ Nhiên chụp ảnh cùng bác sĩ Thu và em bé tại Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Trong khoảng hai giờ phẫu thuật, chị Nhiên được truyền tổng cộng 7 lít máu và huyết tương, may mắn thoát chết mà không phải cắt bỏ tử cung. Sau ca mổ, chị Nhiên đã tỉnh và có thể nói chuyện. Chị nằm điều trị hồi sức tích cực khoảng một tuần, mất sữa, không thể cho con bú vì thiếu máu. Đến nay, chị Nhiên đã xuất viện, tái khám sau 10 ngày.
Chi Lê