Ngày 12/10, đại diện Trung tâm Y tế huyện Hạ Hoà cho biết bệnh nhân được gia đình đưa vào khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực - Chống độc trong tình trạng nguy kịch, huyết áp giảm sâu, đặc biệt đau nhiều ở cẳng chân bên trái kèm nổi các nốt phỏng tím đen. Theo gia đình, trước đó 5 ngày người bệnh có ăn tiết lợn mua ở chợ không rõ nguồn gốc.

Các bác sĩ điều trị tích cực bằng cách thở oxy, truyền dịch, thuốc vận mạch nâng huyết áp, giảm đau. Đồng thời, êkíp hội chẩn với Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ. Kết quả nghi ngờ người bệnh nhiễm liên cầu lợn, chuyển tuyến.

Tại Khoa Hồi sức yêu cầu, Bệnh viện đa khoa tỉnh, bệnh nhân được lọc máu kết hợp các biện pháp điều trị tích cực. Kết quả cấy máu phát hiện ông bị nhiễm liên cầu lợn. Hiện tại, sức khỏe người bệnh tiến triển tốt.

buoc-4-4-4856-1699605762-17287-7932-3802-1728744910.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=lXhH4_gPzDYwaWSTySs38w

Minh họa tiết lợn. Ảnh: Bùi Thủy

Liên cầu khuẩn lợn là bệnh lây truyền từ động vật sang người, chưa có bằng chứng bệnh lây từ người sang người. Hầu hết bệnh nhân đều liên quan đến giết mổ, ăn tiết canh hoặc các món đồ chưa nấu chín. Một số trường hợp không ăn tiết canh, không giết mổ lợn vẫn mắc bệnh. Nguyên nhân là ăn thịt lợn nhiễm bệnh tái sống, hoặc tiếp xúc với lợn bệnh thông qua các tổn thương, trầy xước trên da khi chế biến.

Bác sĩ khuyến cáo người dân không giết mổ hay tiêu thụ lợn mắc bệnh, lợn chết; không ăn thịt hoặc phủ tạng lợn chưa nấu kỹ; không ăn tiết canh lợn và các loại thịt, sản phẩm tái, sống được chế biến từ lợn không đảm bảo an toàn thực phẩm. Người tiêu dùng chỉ nên mua thịt lợn đã được cơ quan thú y kiểm dịch.

Vi khuẩn gây bệnh liên cầu lợn bị tiêu diệt hoàn toàn khi thực phẩm được nấu chín kỹ.

Thúy Quỳnh

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022