Ông Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, đề nghị như trên khi làm việc với ngành chức năng Đồng Nai và lãnh đạo thành phố Long Khánh, ngày 3/5. Ông đang cùng đoàn chuyên gia của Bộ Y tế thị sát công tác khám chữa bệnh, điều tra nguyên nhân gần 500 người ngộ độc sau khi ăn bánh mì.

"Việc xác định vi trùng hay vi khuẩn, độc tố, xuất phát từ khâu chế biến nào, có trong thực phẩm nào là rất quan trọng, cần nhanh chóng có kết quả để cứu chữa bệnh nhân", ông Long nói.

Đại diện Công an Đồng Nai cho hay đang điều tra, lấy mẫu, làm việc với những người liên quan. Nếu có dấu hiệu hình sự hay đủ cơ sở khởi tố điều tra sẽ thực hiện theo quy định pháp luật.

z5405436565877-4244843e1f5cdd8-6508-8722-1714733242.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=R2atcAGZaZcZnbUifHqFOA

Ông Long làm việc với Sở Y tế, UBND TP Long Khánh tại Bệnh viện Đa khoa Long Khánh chiều 3/5. Ảnh: Phước Tuấn

Sở Y tế Đồng Nai ghi nhận đến 17h chiều nay có 487 người bị ngộ độc phải nhập viện cấp cứu. Họ ăn bánh mì bán ở tiệm Băng vào hai ngày 30/4 và 1/5. Bệnh nhân chủ yếu đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn và sốt, được chẩn đoán nhiễm trùng đường ruột. Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai đang điều trị 6 ca tình trạng nặng. Trong đó hai bé 6 tuổi và 7 tuổi đang thở máy, lọc máu. Số còn lại được truyền dịch, sử dụng kháng sinh, thở oxy, điều chỉnh các rối loạn. Bệnh viện Nhi đồng 1 TP HCM đã cử chuyên gia đến Đồng Nai hỗ trợ chữa trị.

"Đây là sự việc nghiêm trọng, lãnh đạo Chính phủ, Bộ Y tế rất quan tâm", ông Long nói và cho rằng việc cần thiết hiện nay là huy động nhân lực điều trị cho hai bệnh nhi đang lọc máu, không để các ca ngộ độc biến chứng nặng. Chính quyền cần thông báo rộng rãi ai từng ăn bánh mì của cơ sở này khi có dấu hiệu bất thường về sức khỏe cần đến ngay bệnh viện gần nhất để kịp thời điều trị. Đồng thời cơ quan chức năng cần kiểm soát thông tin trên mạng xã hội, tránh gây tâm lý trong dư luận.

Làm việc với đoàn công tác Bộ Y tế, chủ tiệm bánh mì Băng cho biết mua nguyên liệu, thực phẩm ở các cửa hàng nhỏ lẻ rồi về tự chế biến tại nhà. Trong đó pate tự làm (gan heo, thịt mỡ), dưa muối chua tự làm (cà rốt, củ cải trắng), nước sốt tự làm (gồm nước hầm thịt heo, hạt nêm, bột ngọt, nước tương). Các nguyên liệu khác như chả lụa, thịt nguội, thịt heo... được tiệm mua từ nơi khác.

Cơ quan chức năng đã niêm phong tủ cấp đông tại cơ sở, với khoảng 15 kg đồ chua, 1 kg thịt heo đã qua chế biến, 1 kg chả lụa, 4 khay pate trọng lượng 10 kg. Tiệm đã bị ngưng hoạt động. Cơ quan chức năng đang truy nguồn gốc nguyên liệu và thực phẩm trên, cũng như xét nghiệm mẫu tìm tác nhân gây ngộ độc.

DSC07944-JPG-4087-1714733242.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=JZHNL-HeoCMjXKE42tapdg

Khu vực chế biến chứa thực phẩm như pate, nước sốt, thịt... tại cơ sở bánh mì Băng. Ảnh: Phước Tuấn

Ông Long đánh giá sự việc ngộ độc tập thể khi ăn thực phẩm không phải mới mà thời gian qua đã xảy ra ở nhiều địa phương trên cả nước. Đặc biệt khi thời tiết nắng nóng oi bức, tình trạng ngộ độc thực phẩm rất dễ xảy ra nên cần có biện pháp phòng tránh kịp thời.

Ngoài ra, Bộ Y tế cho rằng địa phương cần quản lý chặt chẽ hơn trong việc cấp giấy phép kinh doanh, giấy phép đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm với các cơ sở có "chế biến thực phẩm" như tiệm bánh mì Băng. Cần rà soát lại các cơ sở tương tự, buôn bán thực phẩm nhỏ lẻ, thức ăn đường phố, tránh lặp lại vi phạm để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Phước Tuấn

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022