Đã 6 năm nay, cô Li Huân 37 tuổi (người Trung Quốc), đã làm việc tại căn tin của trường để chăm sóc cho cô con gái 12 tuổi Thanh Thanh đến lớp. Tuy gia đình không khá giả gì, thậm chí là nợ nần chồng chất, nhưng cô Li buộc phải làm công việc này bởi vì Thanh Thanh đã bị chấn thương cột sống, liệt toàn thân sau một sự cố trong lớp học khiêu vũ.

"Công việc tôi đang làm trong căn tin có mức lương rất thấp, chỉ khoảng 1000 nhân dân tệ (khoảng 3.500.000 VNĐ) nhưng tôi vẫn rất vui vì được nhà trường tuyển dụng. Bởi vì chỉ có làm việc ở đây, tôi vừa có thể kiếm tiền lại chăm sóc được con gái, giúp con học hành theo kịp bạn bè" – Cô Li chia sẻ.

Sau tai nạn bị liệt toàn thân, Thanh Thanh không thể tự di chuyển được nữa mà phải ngồi xe lăn. Ngày qua ngày, cô Li phải đẩy xe lăn đưa con đến lớp này sang lớp khác. Tới khi về nhà, cô cũng không được nghỉ ngơi mà phải loay hoay với đống hóa đơn sinh hoạt và vụ kiện với học viện khiêu vũ – nơi con gái xảy ra tai nạn.

4-17146554518061864695680.png

Thanh Thanh tại bảo tàng Vũ Hán năm 2023 (Ảnh nhân vật cung cấp).

Từ một đứa trẻ năng động tới bại liệt

Mọi chuyện xảy ra từ năm 2017, khi Thanh Thanh lên lớp 5. Vào thời điểm ấy, cũng giống như những cô gái khác, Thanh Thanh đã đăng ký tham gia các lớp múa dân gian Trung Quốc để tăng cường thể lực và sự dẻo dai cho cơ thể.

Trong những bài tập có một tư thế khá khó, đó chính là uốn cong người ra phía sau và dùng 2 tay chống đỡ. Bài tập này được xem là an toàn và cơ bản, thế nhưng vào ngày nọ, Thanh Thanh đã bị ngã khi thực hiện động tác này, khiến cô bị liệt từ ngực trở xuống. Bác sĩ nói rằng cô bé sẽ không bao giờ đi lại được nữa…

"Ban đầu tôi chỉ nghĩ tập múa sẽ giúp cho Thanh Thanh khỏe mạnh hơn sau giờ học. Tôi thấy các bậc phụ huynh khác cho con đi học thì tôi cũng phải làm theo để con không bị tách biệt. Thế nhưng mọi chuyện lại xảy ra quá tàn nhẫn…" - cô Li nghẹn ngào trải lòng.

6-17146554519421566460891.jpg

Động tác uốn cong người ra phía sau được nhiều trẻ em ở Trung Quốc tập luyện.

Cô Li kể rằng, ban đầu con bị ngã và khóc rất lớn, nhưng sau đó thì đã đứng dậy và tiếp tục khiêu vũ. Khi đến đón, Thanh Thanh bảo cảm thấy người hơi mệt nhưng mọi người đều nghĩ sẽ không sao, bởi con bé vẫn còn trẻ và tiếp tục phát triển về thể chất. Đôi lúc chỉ là những cơn đau thoáng qua nên ai cũng lơ đi.

Tuy nhiên đến khoảng 11 giờ đêm trước khi ngủ, Thanh Thanh đau đến mức không thể ngủ được và phải đưa đi cấp cứu. Khi đến bệnh viện nhi gần nhất, các bác sĩ đã xác nhận cô bé có nguy cơ bị liệt cao và phải đi phẫu thuật ngay. Lúc ấy cô Li rất sốc nhưng vẫn bình tĩnh để làm theo những gì bác sĩ yêu cầu.

Thế nhưng, do ca phẫu thuật này quá phức tạp nên Thanh Thanh đã được thuyên chuyển đến các bệnh viện tuyến trên. Dù đã cố hết sức nhưng bác sĩ bảo, chấn thương cột sống của Thanh Thanh là không thể cứu chữa. Kể từ ngày hôm đó, bệnh viện đã trở thành ngôi nhà thứ hai của hai mẹ con.

1-1714655451644870442654.jpg

Động tác này nếu không được huấn luyện và tập bài bản sẽ trở thành hiểm họa.

Thực trạng trẻ em bị liệt do động tác uốn cong lưng: Trung Quốc cảnh báo

Những nghiên cứu gần đây tại các bệnh viện Trung Quốc cho thấy, có sự gia tăng đáng lo ngại về tình trạng các bé gái bị chấn thương cột sống nghiêm trọng do các động tác nhảy trong khiêu vũ, đặc biệt là động tác uốn cong lưng về phía sau.

Từ năm 2015 đến năm 2019, dữ liệu được phân tích bởi Hiệp hội Chỉnh hình Trung Quốc cùng với nhiều bệnh viện, cho thấy chấn thương tủy sống do tư thế uốn cong lưng về phía sau gây ra chiếm 33,9% tổng số chấn thương cột sống ở trẻ em. Tăng khoảng 4% từ năm 1992 đến năm 2002.

Khoa Phục hồi chức năng Chấn thương Tủy sống tại Bệnh viện Boai Bắc Kinh, sau khi phân tích những trẻ em dưới 14 tuổi được điều trị chấn thương tủy sống, đã nhận thấy sự gia tăng đáng kể các chấn thương liên quan đến động tác uốn lưng trong khiêu vũ. Báo chí trong nước cho biết kể từ năm 2005, hơn 1000 trẻ em đã bị liệt.

3-17146554517751256589027.jpg

Chấn thương cột sống ở trẻ em ở Trung Quốc thường có liên quan đến tư thế này.

Một phần dẫn đến tình trạng này là do nhiều trung tâm khiêu vũ mọc ra như nấm, không có đủ cơ sở vật chất cũng như y tế. Còn giáo viên thì không đạt tiêu chuẩn giảng dạy bài bản. Điều này đã gây ra một làn sóng lớn ở Trung Quốc và khiến nhiều nơi dạy múa phải ngưng hoạt động.

Tháng 11/2023, Bộ Giáo dục Trung Quốc thậm chí còn đưa ra lời nhắc nhở kêu gọi trẻ em không nên tham gia các hoạt động rèn luyện tính linh hoạt quá mức quá sớm. Họ đặc biệt cảnh báo rằng, trẻ em dưới 10 tuổi nên thận trọng khi thực hành các động tác như uốn cong lưng về phía sau.

"Mặc dù chúng ta cũng cần tăng cường trong việc điều trị và ngăn ngừa những chấn thương này, nhưng điều quan trọng là phải đảm bảo nhận thức rộng rãi hơn và quy định chặt chẽ hơn về việc đào tạo khiêu vũ" – Guo Xiaodong, giám đốc Khoa Chỉnh hình tại Bệnh viện Liên minh Vũ Hán (Trung Quốc), chia sẻ.

Động tác uốn cong lưng về phía sau: Hiểm họa tiềm ẩn

Tình trạng của Thanh Thanh được phân loại là chấn thương tủy sống do giãn quá mức cấp tính ở trẻ em (PAHSCI). Theo tiến sĩ Guo, đây là chấn thương trật khớp cấp tính, không do gãy xương ở ngực và vùng lưng dưới. Thường là kết quả của việc cột sống bị duỗi quá mức lặp đi lặp lại hoặc kéo dài liên tục.

Khoảng 70% bệnh nhân mắc PAHSCI bị chấn thương vĩnh viễn không thể hồi phục, hiện tại không có phương pháp điều trị hiệu quả nào. PAHSCI thường liên quan đến động tác uốn cong lưng ra phía sau trong khiêu vũ, đến mức ở Trung Quốc nó thường được gọi bằng một cái tên riêng là "bại liệt do uốn cong lưng".

Trẻ em bị chấn thương như vậy thường chỉ có khoảng "thời gian vàng" kéo dài 4 giờ để điều trị hiệu quả. Các triệu chứng ban đầu có thể bao gồm đau nhẹ ở lưng và chân hoặc có cảm giác bất thường, kèm theo tình trạng tê liệt thường phát triển khoảng 4 giờ sau khi bị thương.

5-17146554518741587175716.jpg

Quét MRI cho thấy tổn thương tủy sống ở một đứa trẻ 6 tuổi từ ngày đầu tiên đến ngày thứ 70. Hình A cho thấy tủy sống bị phù từ T4 đến L1 (từ ngực đến lưng dưới) vào ngày đầu tiên. Tình trạng này ngày càng trầm trọng dẫn đến teo, mỏng, tủy sống biến mất dưới T10 (ảnh D).

Tiến sĩ Guo cho biết: "Trong thời gian vàng này có đến 90,9% bệnh nhân vẫn tiếp tục tham gia hoạt động thể chất. Từ đó làm tăng nguy cơ chấn thương và bỏ lỡ thời điểm điều trị tối ưu".

Tiến sĩ Guo cũng dẫn đầu một trong những nghiên cứu chứng minh sự gia tăng đáng báo động về chấn thương cột sống ở trẻ em. Dữ liệu của ông cho thấy có hai nơi là Bệnh viện Liên minh Trường Cao đẳng Y tế Tongji và Bệnh viện Nhi đồng Vũ Hán, đã ghi nhận 44 trường hợp PAHSCI liên quan đến khiêu vũ trong khoảng thời gian từ tháng 9/2010 đến tháng 9/2020.

Nhìn chung, sự gia tăng liên tục chấn thương tủy sống ở trẻ em bắt nguồn từ sự phát triển của mô hình khiêu vũ ở các bậc cha mẹ, nhằm tăng cường thể lực và lợi thế cạnh tranh của con họ trong các kỳ thi tuyển sinh vào trường, bất chấp những rủi ro có thể xảy ra cho con em của mình.

Sự hấp dẫn của việc này ngày càng tăng sau khi có chính sách cho phép trẻ em kiếm thêm điểm trong kỳ thi tuyển sinh vào trường, bằng cách thể hiện các chuyên môn, đặc biệt là khiêu vũ hoặc âm nhạc. Nhưng đến năm 2020, Bộ Giáo dục Trung Quốc đã loại bỏ chính sách này vì thấy có quá nhiều sự tiêu cực tiềm ẩn.

2-17146554517041636432048.jpg

Động tác này gây áp lực rất lớn đến xương sống, trong khi cơ thể trẻ em lại chưa phát triển hoàn thiện.

Theo Zhu Dandan – một huấn luyện viên khiêu vũ lâu năm cho hay rằng, động tác gập lưng ngược về phía sau là bắt buộc có, cần phải thành thạo trong múa dân gian Trung Quốc. Động tác này thường phải dạy cho trẻ từ 4-5 tuổi khoảng 1 năm để cơ thể trẻ quen dần và đảm bảo an toàn.

Tuy nhiên với nhu cầu và việc chạy đua lấy thành tích múa cho con em, nhiều trung tâm đã giảm ngắn thời gian tập động tác này, chỉ học 1h30 mỗi tuần. Nếu không có đủ thời gian tập luyện, trẻ sẽ thiếu sức mạnh cơ bắp để thực hiện tốt động tác, khiến việc tập uốn lưng trở nên đầy rủi ro.

Tương lai mờ mịt…

Lại nói về gia đình Thanh Thanh, sau khi cô bé bị liệt như vậy, cả gia đình vốn đang bình thường lại phải gánh trên vai những khoản nợ chồng chất để chạy chữa. Họ khó khăn đến mức, nếu như em trai của Thanh Thanh bị ốm, họ sẽ không đưa vào bệnh viện mà chỉ tìm cách điều trị đơn giản tại nhà.

Năm 2019, tòa án Vũ Hán đã ra phán quyết cuối cùng là trung tâm dạy múa phải bồi thường cho gia đình Thanh Thanh 2 triệu nhân dân tệ. Ban đầu thì cả nhà cô bé rất vui, nhưng khi nhận ra trung tâm ấy chỉ như một cái vỏ rỗng, không thể bồi thường được khoản tiền ấy, thì họ dường như suy sụp hoàn toàn.

Hiện tại, cả nhà Thanh Thanh đang loay hoay với cuộc sống và tìm một luật sư khác để đòi lại phần tiền còn thiếu. Cô Li cho biết, bản thân đang cố gắng hết sức để con cảm thấy đủ đầy, không thiếu sót như những bạn đồng trang lứa.

Bản thân cô mong muốn chính quyền cần phải quản lý những cơ sở khiêu vũ chặt chẽ hơn, cũng như cảnh tỉnh tới các bậc phụ huynh hãy quan tâm con em nhiều hơn, tránh phạm phải sai lầm như cô.

Theo Sixthtone

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022