Ngày 19/12, TS.BS Ngô Tuấn Anh, Trưởng Khoa Phẫu thuật Tim mạch, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cho biết hiện nay nhiệt độ xuống thấp, có nơi dưới 10 độ, khiến nhiều người phải nhập viện vì các bệnh lý tim mạch. Trong đó, đa số là người cao tuổi và người có tiền sử bệnh tim mạch.

Theo bác sĩ Tuấn Anh, mùa lạnh, huyết áp thường tăng cao so với mùa hè khoảng 5 mmHg, kéo theo tăng 21% các biến chứng tim mạch. Ngoài ra, thời tiết lạnh còn làm tăng tiết các catecholamin (một loại nội tiết tố) trong máu, dẫn đến co mạch ngoại biên, làm tăng lượng máu trở về tim và tăng huyết áp.

Trong khi đó, đa số người dân không biết hoặc chưa kiểm soát tốt huyết áp của mình. Thống kê cho thấy, khoảng 1/3 trong số bệnh nhân tăng huyết áp được điều trị và trong số những người được điều trị chỉ có 1/3 kiểm soát được huyết áp bằng thuốc.

"Với người cao tuổi, huyết áp thường không quá 140/90 mmHg. Khi thời tiết chuyển sang giá lạnh đột ngột, các mạch máu trong cơ thể bị co thắt lại, huyết áp tăng lên. Mức huyết áp có thể tăng vọt khi đột ngột ra ngoài trời lạnh hoặc khi đi tắm rửa...", bác sĩ Tuấn Anh nói.

Khi huyết áp tăng đến 200mmHg, nếu không phát hiện và dùng thuốc kịp thời, có thể gây vỡ mạch máu não và tử vong. Đặc biệt, với những người bị bệnh tiểu đường, nguy cơ biến chứng tăng huyết áp càng cao và dễ có cơn huyết áp kịch phát, nguy hiểm.

Với người có bệnh mạch vành, khi trời lạnh nhu cầu oxy cho cơ tim tăng hơn, vì thế cũng có thể xuất hiện dấu hiệu như đau ngực, nhồi máu cơ tim cấp. Đặc biệt, thời tiết lạnh còn làm tăng số lượng tiểu cầu, hồng cầu và độ nhớt của máu, từ đó tăng nguy cơ bệnh động mạch vành, tai biến mạch máu não và bệnh mạch máu ngoại vi.

2-1671447161-1948-1671447222.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=FNsGP-mfsBhz26v7tOKrQg

Một ca phẫu thuật tim mạch tại Bệnh viện 108. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Để phòng bệnh, người dân cần được giữ ấm đầy đủ, đặc biệt người cao tuổi hoặc người có tiền sử mắc các bệnh tim mạch như tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh mạch vành. Cần tránh ra trời lạnh đột ngột vào buổi sáng, nhất là lúc mới ngủ dậy. Khi tắm rửa cần làm ấm phòng bằng đèn sưởi và dùng nước ấm.

Ngoài ra, những bệnh nhân bị tăng huyết áp, nên uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Các thuốc tăng huyết áp cần được uống liên tục, suốt đời, không được ngừng thuốc đột ngột và có theo dõi của nhân viên y tế.

"Với người cao tuổi, khi có cơn tăng huyết áp, không nên giảm huyết áp quá nhanh, sẽ rất nguy hiểm do sự phản ứng của mạch máu ở người già không tốt. Nếu giảm huyết áp quá nhanh, cơ thể sẽ không thích ứng được, có thể xuất hiện chóng mặt, đau đầu, buồn nôn", bác sĩ Tuấn Anh nói.

Những bệnh nhân có bệnh động mạch vành nên được theo dõi định kỳ, nhất là khi chuyển mùa, để có biện pháp phòng ngừa và điều trị kịp thời.

Theo Bộ Y tế, bệnh tim mạch là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên toàn cầu, ước tính 17,9 triệu người mỗi năm. Còn tại Việt Nam, khoảng 200.000 người tử vong vì bệnh này mỗi năm, chiếm 33% tổng số ca tử vong. Hơn 70% trong số các bệnh tim mạch (mạch vành, tai biến mạch máu não, tăng huyết áp, suy tim,...) gây ra bởi các yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được.

Một chế độ ăn hợp lý cũng sẽ giúp làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, gồm giảm muối (dưới 6 gram/ngày), bổ sung kali giúp giảm và kiểm soát huyết áp hiệu quả hơn. Ăn nhiều rau, trái cây, ngũ cốc, tránh thức ăn chế biến sẵn, hạn chế đường, mỡ động vật...

Mọi người có thể tham khảo chế độ ăn vùng Địa Trung Hải giúp làm giảm yếu tố nguy cơ tim mạch. Nguyên lý của chế độ ăn này là nhiều rau, quả và cá, dầu ô liu, kèm với bánh mì, ngũ cốc, khoai tây, đậu, củ, sữa chua... Chế độ ăn này rất ít thịt, ít chất béo và kèm theo một chút rượu đỏ.

Lê Nga

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022