1. Ung thư đường bài xuất là gì?

ThS. Nguyễn Duy Trí Dũng (Khoa Ngoại tiết niệu - Trường Đại học Y Hà Nội) cho biết: Ung thư đường bài xuất tiết niệu trên là những khối u ác tính, phát triển từ tế bào niêm mạc các đài thận, bể thận và niệu quản.

Đây là một bệnh hiếm gặp, chỉ chiếm từ 5-10% ung thư biểu mô của toàn bộ đường tiết niệu (đài thận, bể thận, niệu quản, bàng quang và niệu đạo), với tần xuất mắc khoảng 1-2 trường hợp/100.000 người. Bệnh thường gặp ở lứa tuổi từ 50-70 tuổi, nam mắc bệnh nhiều hơn nữ. Nguyên nhân của bệnh chưa thực sự rõ ràng, nhưng nhiều yếu tố nguy cơ được đề cập đến là do môi trường sống như nghiện thuốc lá, thuốc nhuộm công nghiệp hay các hội chứng khối u di truyền.

ung-thu-16679315020671034747647-1668177516100-1668177516695741220124.jpg

Ung thư bàng quang là bệnh lý ác tính phổ biến nhất trong ung thư hệ thống tiết niệu.

Bệnh nhân mắc ung thư đường bài xuất tiết niệu có triệu chứng mơ hồ, không đặc hiệu, xuất hiện bất thường, nên được phát hiện và chẩn đoán muộn. Tính chất ác tính của khối u thể hiện ở các điểm: dễ lan rộng ra xung quanh, dễ phát sinh ra toàn bộ đường tiết niệu và dễ tái phát. Hiện nay trên thế giới đã có rất nhiều tiến bộ góp phần chẩn đoán sớm bệnh và giai đoạn bệnh.

2. Người bị ung thư đường bài xuất nên ăn gì?

Theo ThS.BSCKII Bùi Anh Tuấn (Khoa Ngoại Tiết niệu - Bệnh viện K), đường tiết niệu có chức năng đào thải những chất cặn bã ra khỏi cơ thể nên cũng có liên quan trực tiếp tới những thực phẩm mà cơ thể hấp thụ. Vậy nên, người bệnh cần lưu ý một số nhóm thực phẩm có lợi cho quá trình điều trị bệnh như sau:

Chất béo không bão hòa : Đây là nhóm chất béo lành mạnh cần thiết cho nhiều hoạt động của cơ thể. Nguồn chứa chất béo không bão hòa có chứa trong nhiều thực phẩm như dầu ôliu, dầu hướng dương, hạt đậu nành, hạt óc chó, cá hồi…

Rau củ và trái cây : Là loại thực phẩm cung cấp nhiều vitamin và khoáng chất cần thiết cho cơ thể. Trong đó các loại rau họ cải có nhiều chất xơ chống táo bón hiệu quả.

PGS.TS Lê Bạch Mai - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia
Trong chế độ ăn của người bệnh ung thư, điều quan trọng đầu tiên là cung cấp đủ năng lượng. Nhiều người bị mắc bệnh ung thư thường có xu hướng sụt cân, do đó cần phải cố gắng duy trì được cân nặng. Ngoài ra, chú ý cung cấp đủ nước, lựa chọn những thực phẩm đa dạng, cung cấp đủ dinh dưỡng cho cơ thể, sức khoẻ.

Một số loại rau củ được khuyên dùng cho bệnh nhân ung thư đường bài xuất là:

  • Bông cải xanh: Chất glucosinolate trong bông cải xanh có tác dụng ức chế sự phát triển của khối u đường bài xuất.
  • Trà xanh: Trà xanh chứa chất chống ôxy hóa mạnh mẽ rất tốt cho những người mắc bệnh ung thư đường bài xuất giai đoạn đầu.
  • Tỏi: Tỏi có chứa nhiều allicin có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn E.coli, hạn chế sự xâm lấn của các vi khuẩn gây viêm nhiễm, ung thư.

Các sản phẩm chứa probiotic (men vi sinh) : Probiotic cung cấp những vi khuẩn có lợi để loại bỏ những vi khuẩn gây hại, giúp giảm thiểu nguy cơ viêm nhiễm, phòng chống những bệnh lý liên quan niệu đạo. Những sản phẩm chứa nhiều probiotic như sữa chua, kim chi… cũng rất dễ ăn và dễ tìm kiếm.

Ngoài ra, bổ sung đủ nước cho cơ thể cũng là một cách giúp ngăn ngừa bệnh ung thư đường bài xuất. Khi không uống đủ nước, các độc tố sẽ không được đào thải ra ngoài. Do đó, mỗi ngày, người bệnh cần bổ sung nước cho cơ thể, khoảng 2,5l/ngày. Điều này sẽ giúp cơ thể được thanh lọc, giảm tình trạng viêm nhiễm nhanh chóng và hiệu quả hơn.

3. Nên hạn chế những thực phẩm nào?

Đường và các thực phẩm có chứa đường: Đường là kẻ thù đối với bệnh nhân ung thư bởi vì đường sẽ làm cho tế bào ung thư phát triển nhanh và khó kiểm soát hơn.

Thực phẩm có chứa caffeine: Cà phê hay socola là những loại thực phẩm phổ biến có chứa nhiều caffeine. Chất này sẽ kích thích bàng quang hoạt động nhiều hơn khiến tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng.

Đồ ăn cay nóng, đồ ăn mặn, nhiều dầu mỡ: Những món ăn cay nóng, mặn và nhiều dầu mỡ có thể khiến bàng quang bị kích thích, thậm chí khiến triệu chứng bệnh càng thêm trầm trọng.

Đồ uống có cồn, chất kích thích: Không chỉ đối với bệnh nhân ung thư mà người bình thường cũng nên hạn chế tối đa việc sử dụng bia rượu, chất kích thích, đồ uống có ga, thuốc lá… Đây đều là các tác nhân gây ra nhiều loại ung thư cho con người.

4. Người bệnh ung thư đường bài xuất cần lưu ý

bong-cai-16679316787801634753549-1668177517900-16681775179772089273982.jpg

Bông cải xanh giúp ức chế sự phát triển khối u.

Để quá trình điều trị bệnh được diễn ra tốt đẹp và có hiệu quả, khi thực hiện chế độ ăn uống, người bệnh ung thư đường bài xuất cần lưu ý:

Chia các bữa ăn thành nhiều bữa nhỏ trong ngày, mỗi bữa cách nhau 2-3 tiếng, mỗi ngày 5-6 bữa, mỗi bữa có thể ăn các loại thực phẩm khác nhau để kích thích vị giác, giúp người bệnh ăn ngon miệng hơn.

Nắm vững các nhóm thực phẩm nên dùng và không nên dùng cho người bị ung thư tiết niệu. Ngoài ra cần chế biến thực đơn đa dạng, hấp dẫn để kích thích người bệnh.

Vì người bệnh cần vận động nhiều vào ban ngày nên sắp xếp thực đơn buổi sáng có nhiều năng lượng hơn buổi tối.

Cần giữ cho tinh thần và trạng thái người bệnh được thoải mái nhất, tránh suy nghĩ. Người bệnh cũng cần tăng cường thể dục thể thao bằng các bài tập phù hợp với tình trạng sức khỏe.

Tham khảo chế độ ăn uống theo lời khuyên của bác sĩ và có chế độ theo dõi, tái khám thường xuyên theo định kỳ.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022