Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Trần Như Thủy, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM (Cơ sở 3), cho biết nhiều người có thói quen uống một cốc nước lớn khi khát và cho rằng đây là cách bổ sung nước hiệu quả. Tuy nhiên, việc uống lượng nước lớn một lúc có thể gây sốc cho hệ tiêu hóa. Cách tốt hơn là nên uống rải rác trong ngày, không đợi đến lúc khát mới uống.

“Thay vì uống một cốc lớn một lần, hãy uống từng ngụm nhỏ và chia đều trong ngày. Cách này giúp cơ thể hấp thu nước từ từ, không gây áp lực lên dạ dày, đồng thời đảm bảo lượng nước được duy trì ổn định trong cơ thể”, bác sĩ Thủy khuyến cáo.

Một sai lầm phổ biến khác là uống nước trong khi ăn, ngay sau bữa ăn hoặc khi dạ dày còn đầy. Theo bác sĩ Thủy, điều này có thể làm loãng dịch tiêu hóa, cản trở quá trình hấp thu chất dinh dưỡng và gây ảnh hưởng xấu đến dạ dày. Thời điểm thích hợp để uống nước là khoảng 30 phút sau bữa ăn, khi hệ tiêu hóa đã bắt đầu làm việc ổn định hơn.

21489285ef34ec5e80bad893af0c519444b18b2-1752973830647-1752973836786783944207.jpg

Ảnh minh hoạ.

Ngoài ra, trong những ngày hè oi bức, nhiều người thường chọn uống nước lạnh hoặc nước đá để giải nhiệt. Tuy nhiên, bác sĩ Thủy khuyến cáo nên tránh thói quen này.

“Theo y học cổ truyền, nước có tác dụng thanh nhiệt và bôi trơn cơ thể. Uống nước ấm (khoảng 20–30°C) giúp cơ thể dễ hấp thu, hạn chế tình trạng co thắt cơ quan nội tạng do nước lạnh gây ra, tránh làm mất cân bằng âm dương. Điều này đặc biệt quan trọng với người cao tuổi và trẻ nhỏ – những đối tượng có hệ tiêu hóa yếu”, bác sĩ Thuỷ cho biết.

  • mua-do-o-cho-nong-san3-17525944314641297572948-34-0-534-800-crop-1752594541819890198623.jpg

    Đi chợ mà thấy nông sản có 5 dấu hiệu này hãy coi chừng: Không hề tươi ngon, tốt sức khỏe như bạn nghĩ

Việc uống quá ít nước hoặc uống sai cách, chẳng hạn như uống nước quá lạnh hoặc quá nhiều trong một lần, cũng có thể gây rối loạn chức năng vận hóa của Tỳ Vị – cơ quan chủ đạo trong tiêu hóa và hấp thu dinh dưỡng theo quan điểm y học cổ truyền. Hậu quả có thể là chán ăn, tiêu hóa kém, phân lỏng hoặc táo bón, cơ thể mệt mỏi kéo dài.

Bác sĩ Thuỷ lưu ý thêm về việc uống nước vào buổi sáng: “Một ly nước ấm vào buổi sáng không chỉ giúp bù đắp lượng nước đã mất trong đêm mà còn kích thích tiêu hóa, thúc đẩy lưu thông khí huyết và tạo nền tảng cân bằng âm dương trong cơ thể. Đây là cách khởi động hệ tiêu hóa hiệu quả để bắt đầu ngày mới”.

Không uống đủ nước nguy hiểm ra sao?

Theo y học cổ truyền, uống nước không chỉ giúp giải khát mà còn là cách nuôi dưỡng tạng phủ, điều hòa âm dương và bảo vệ tân dịch – phần tinh túy từ nước uống và thức ăn, có vai trò nuôi dưỡng lục phủ ngũ tạng, làm mát và trơn nhuận cơ thể. Khi không uống đủ nước, cơ thể có thể gặp hàng loạt rối loạn:

- Hao tổn tân dịch: Dễ gây khô họng, khát liên tục, nhiệt miệng, nóng trong, hoa mắt, chóng mặt, dễ say nắng.

- Tích tụ nội nhiệt: Khi cơ thể thiếu tân dịch, nhất là trong thời tiết oi bức dễ sinh thử tà (nhiệt ẩm), sẽ làm gia tăng nguy cơ mắc các chứng như phát sốt, đau đầu, cảm nắng, thậm chí đột quỵ do nắng.

- Hỏa nhiệt vượng: Uống thiếu nước khiến âm huyết không đủ để dưỡng Tâm – tạng chủ về tinh thần và giấc ngủ. Tình trạng này có thể gây mất ngủ, mộng mị, hồi hộp, đánh trống ngực, lo âu và dễ cáu gắt.

Chuyên gia khuyến cáo, đừng xem nhẹ việc uống nước. Đây là hành động đơn giản nhưng nếu làm sai cách, có thể gây ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe, đặc biệt là trong mùa nóng.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022