Ngày 10/8, bác sĩ Lê Duy Lạc, Trưởng Khoa Hồi sức tim mạch, Bệnh viện TP Thủ Đức, cho biết tại phòng cấp cứu, bệnh nhân được sốc điện phá rung tim ba lần và hồi sức tim phổi hơn 10 phút để tim đập lại. Bác sĩ cho thở máy, dùng thuốc vận mạch để duy trì huyết áp, đo điện tâm đồ xác định nguyên nhân ngưng tim là do nhồi máu cơ tim cấp độ 4 - rất nguy kịch.

can-thie-p-ca-p-cu-u-169165437-8207-1516-1691654639.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=Qqn2OEPeJxl7KgYxMxQR6g

Y bác sĩ vừa xoa bóp tim vừa đẩy băng ca đưa bệnh nhân vào phòng cấp cứu. Ảnh chụp màn hình camera

Bệnh nhân đi khám bệnh một mình, không có người nhà theo. Bác sĩ liên hệ gia đình qua điện thoại, chuyển người bệnh lên phòng thông tim. Chụp mạch vành ghi nhận cả ba nhánh mạch vành đều tổn thương nặng, hẹp tắc gần như toàn bộ. Ê kíp đặt stent, giúp khôi phục dòng máu nuôi tim trong 30 phút.

Sau can thiệp, bệnh nhân dần hồi phục, cai được thở máy, sinh hoạt bình thường và vừa khỏe mạnh xuất viện.

Theo bác sĩ Lạc, nhồi máu cơ tim là một tình trạng cấp cứu cần tái lập dòng máu chảy trong đoạn động mạch vành bị tắc càng sớm càng tốt. Có nhiều phương pháp khôi phục dòng chảy như truyền thuốc tiêu sợi huyết, can thiệp mạch vành đặt stent và mổ bắt cầu động mạch vành. Hiệu quả các biện pháp này phụ thuộc rất nhiều vào thời gian điều trị từ lúc khởi phát triệu chứng.

"Can thiệp động mạch vành đặt stent có lợi rõ rệt khi được tiến hành càng sớm càng tốt đặc biệt trong vòng 24 giờ đầu tiên kể từ lúc khởi phát triệu chứng", bác sĩ phân tích. Trường hợp này, nhờ nhận diện và hồi sức tim phổi sớm ngay khi ngưng tim, không ảnh hưởng nhiều đến não, bệnh nhân hồi phục tốt. Theo bác sĩ, đây là tình huống hy hữu, bệnh nhân may mắn thoát chết khi được cứu kịp thời, ngay tại bệnh viện. Nếu tình huống xảy ra bên ngoài, không kịp đưa đến viện, khả năng cứu chữa sẽ kém hiệu quả hơn.

Về mặt lý thuyết, ngừng tim 3 phút mà không cấp cứu kịp thời có thể dẫn đến tử vong. Với bệnh nhân bị ngừng tim, dù cấp cứu thành công, tim đập trở lại, phục hồi được mạch huyết áp thì tỷ lệ sống sót cũng dưới 10%. Còn ở Việt Nam, tỷ lệ cứu sống bệnh nhân ngừng tim ngoài cộng đồng thấp hơn rất nhiều (chỉ 1-2%). Nguyên nhân là trong khi ngừng tim, não không có máu nuôi dưỡng bị tổn thương nặng nề; não sẽ bị phù nề, viêm, và hoại tử dẫn tới chết não và tử vong

can-thie-p-tim-ma-ch-jpeg-1691-9191-2835-1691654639.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=6-eHWManl_XA8C5Vy-O3Hw

Các bác sĩ can thiệp tim mạch cho bệnh nhân. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Người có nguy cơ cao bị nhồi máu cơ tim là bệnh nhân đã từng được chẩn đoán bệnh mạch vành, có những yếu tố nguy cơ của bệnh như lớn tuổi (nam trên 45 tuổi, nữ trên 55 tuổi), thừa cân, béo phì, ít vận động thể lực, hút thuốc lá, tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu, stress về thể chất và tinh thần... Đau ngực là triệu chứng thường gặp nhất cảnh báo nhồi máu cơ tim.

Lê Phương

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022