Trong chương trình tư vấn với chủ đề "Tiêm phòng cúm bảo vệ người cao tuổi và người có bệnh nền", phát sóng trên VnExpress (ngày hôm 13/8), PGS.TS.BS. Cao Hữu Nghĩa, Chủ nhiệm Bộ môn Khoa học Y sinh, Viện Pasteur TP HCM, cho hay cúm không phải là căn bệnh đơn thuần như nhiều người lầm tưởng, mà có thể gây ra những gánh nặng to lớn cho người bệnh, cho ngành y tế và cho cả xã hội. Tại Việt Nam, mỗi năm trung bình có hơn 800.000 người mắc cúm. Riêng trong năm 2019, Việt Nam ghi nhận hơn 400.000 ca mắc cúm, trong đó có hàng chục ca tử vong. Năm nay, cúm A gia tăng bất thường trong mùa hè cũng khiến nhiều người phải nhập viện, trong đó có những ca nặng, phải thở máy.

Sự nguy hiểm của cúm với người cao tuổi, có bệnh nền

Theo BS Nghĩa, ngoài những triệu chứng thông thường như hắt hơi, ho, sổ mũi, sốt, đau cơ... virus cúm còn có thể gây ra những biến chứng hô hấp, tim mạch. Đặc biệt, chủng virus cúm đột biến năm nay còn dẫn tới biến chứng thần kinh ở các bệnh nhân.

Screen-Shot-2022-08-13-at-11-2-6658-9804-1660745870.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=45VWqv1WE5y08N2aM2OhXg

Hai chuyên gia trong chương trình toạ đàm tư vấn với chủ đề "Tiêm phòng cúm bảo vệ người cao tuổi và người có bệnh nền".

Theo PGS.TS.BS. Hồ Huỳnh Quang Trí - Phó Chủ tịch Liên chi hội Tim mạch TP HCM, trong số những người có sức đề kháng kém dễ mắc cúm và diễn tiến nặng có người cao tuổi và có bệnh lý nền mạn tính. Do hệ miễn dịch đã suy giảm, người cao tuổi khi mắc cúm dễ gặp những biến chứng hô hấp, trong đó phổ biến là viêm phổi, viêm cơ tim. Theo thống kê, cứ 4 ca tử vong do cúm thì có 3 ca là người trên 65 tuổi.

Ở nhóm người có bệnh nền tim mạch do xơ vữa động mạch, khi mắc cúm, những triệu chứng sốt, tim đập nhanh, suy hô hấp sẽ làm tăng sự mất cân bằng cung cầu oxy, khiến máu cô đặc, viêm nhiễm toàn thân, làm ảnh hưởng đến sự nứt vỡ của những mảng xơ vữa động mạch. Những người này, chỉ 3 ngày sau khi nhiễm cúm, nguy cơ nhồi máu cơ tim tăng 10 lần, nguy cơ đột quỵ (tai biến mạch máu não) tăng 8 lần.

Ở nhóm bệnh nhân mạn tính về hô hấp như phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), hen phế quản, cúm cũng diễn tiến nặng và gây viêm phổi. Những trường hợp viêm phổi nặng sẽ phải nhập viện, thở máy, nguy cơ tử vong cao. Nguy cơ biến chứng tương tự cũng có thể xảy ra với những bệnh nhân mắc đái tháo đường, do hệ miễn dịch bị suy giảm.

"Trong bối cảnh số ca nhiễm Covid-19 tăng trở lại do người dân gia tăng giao lưu, tiếp xúc như hiện nay, đồng nhiễm Covid-19 và cúm là điều đáng lo ngại, làm khả năng thở máy tăng 4 lần, khả năng tử vong tăng 2 lần. Bên cạnh đó, khi vào hè, nếu cùng lúc nhiễm cúm với nhiều bệnh lưu hành khác như tay chân miệng, sốt xuất huyết thì tiên lượng rất xấu", BS Trí cảnh báo.

Screen-Shot-2022-08-13-at-11-2-8120-5878-1660745870.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=b1pk7tKUAJhl5PWTdsGOaw

PGS.TS.BS. Cao Hữu Nghĩa, Chủ nhiệm Bộ môn Khoa học Y sinh, Viện Pasteur TP HCM, trong chương trình.

Tiêm vaccine cúm bảo vệ người cao tuổi, có bệnh nền

Hai chuyên gia cho biết để phòng ngừa cúm, mọi người, đặc biệt là nhóm nguy cơ cao, cần đảm bảo vệ sinh cá nhân, đeo khẩu trang khi ra ngoài, rửa tay thường xuyên, súc miệng bằng nước muối trước khi ra khỏi nhà và sau khi về nhà. Hạn chế đến những nơi tập trung đông người để phòng nguy cơ lây nhiễm virus cúm.

Đặc biệt, cần chủ động dự phòng đặc hiệu cúm bằng biện pháp tiêm vaccine. Các Hiệp hội Y khoa Quốc tế và Bộ Y tế Việt Nam đều khuyến cáo tiêm phòng cúm cho người cao tuổi, người có bệnh nền. Một mũi vaccine cúm có thể giúp giảm tỷ lệ tử vong 61% ở người cao tuổi, 55% ở bệnh nhân bệnh mạch vành, 41% ở bệnh nhân COPD, 58% ở bệnh nhân đái tháo đường.

BS Nghĩa nhấn mạnh, điểm đặc biệt của virus cúm là thay vỏ hằng năm nên loại vaccine cúm năm trước không còn hiệu lực bảo vệ nữa. Ví dụ, virus cúm A năm nay có tiết ra một loại enzym tác động mạnh đến hệ thần kinh, gây lú lẫn, hưng cảm, rối loạn tâm thần, nặng hơn so với biến chứng hô hấp, tim mạch. Nếu những biến chứng này xảy ra ở người lớn tuổi thì bệnh tình sẽ càng trầm trọng hơn, khó hồi phục hơn những người trẻ khoẻ.

"Do đó người dân, nhất là nhóm người cao tuổi, có bệnh nền, nên tiêm phòng cúm càng sớm càng tốt. Cần lưu ý tiêm nhắc lại vaccine cúm mỗi năm để duy trì trạng thái miễn dịch và nồng độ kháng thể cao nhất", BS Nghĩa khuyến cáo.

Screen-Shot-2022-08-13-at-11-2-8945-7331-1660745870.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=DbtBl1bvFj80vjPIOGDK6w

PGS.TS.BS. Hồ Huỳnh Quang Trí - Phó Chủ tịch Liên chi hội Tim mạch TP HCM trong chương trình.

Trong chương trình, hai chuyên gia cũng đã trả lời nhiều câu hỏi của độc giả về việc tiêm vaccine cúm. Độc giả Hoàng Ngân hỏi: "Việc tiêm phòng cúm có ngăn ngừa được cúm A hay không?".

BS Nghĩa cho biết, vaccine cúm tứ giá hiện nay có chứa đến 4 chủng virus gồm 2 chủng cúm A(H1N1), A(H3N2) và 2 chủng cúm B (Victoria và Yamagata). Đây là các chủng virus cúm đã được nghiên cứu là lưu hành phổ biến nhất năm 2022, do đó tiêm vaccine cúm hoàn toàn có thể phòng ngừa được cúm A.

Độc giả Cindy Lê hỏi: "Ba tôi năm nay 60 tuổi, đang điều trị tăng huyết áp và bệnh tim, tôi có nên đưa ba đi tiêm cúm không và bao lâu một lần?". Theo BS Trí, người có huyết áp cao nhưng ổn định vẫn tiêm được vaccine, kể cả vaccine cúm, trừ trường hợp đang cấp cứu vì tăng huyết áp. Người đang điều trị bệnh này nên tiêm vaccine sớm nhất có thể, thậm chí dù huyết áp chưa về mức mục tiêu.

Độc giả Cẩm Minh hỏi: "Thời gian tốt nhất đưa người lớn tuổi đi tiêm vaccine cúm là khi nào? Hiện dịch cúm A lưu hành thì người đã tiêm vaccine cúm cuối năm ngoái có nên đi tiêm nữa không?".

BS Nghĩa cho hay, mỗi năm hệ thống y tế sẽ thông báo về vaccine cúm mới dành cho năm đó. Người đã tiêm vaccine cúm năm trước thì năm nay vẫn nên chích lại vaccine mới. Nồng độ kháng thể tạo ra khi tiêm vaccine cúm đã được nghiên cứu an toàn nên mọi người không cần lo ngại về khoảng cách nếu thời gian tiêm gần nhau. Vaccine cúm chỉ chứa một phần vỏ áo của virus cúm nên vẫn có hiệu quả phòng cúm mà ít gây tác dụng phụ.

Anh Ngọc

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022