BS.CK2 Nguyễn Thị Phan Thúy, Phó giám đốc điều hành Bệnh viện Da liễu TP HCM, cho biết thông tin trên tại hội nghị da liễu thẩm mỹ miền Nam, ngày 16/1, thêm rằng số ca tai biến thẩm mỹ tăng dần mỗi năm, trừ năm 2021 do ảnh hưởng bởi dịch Covid. 69% trường hợp tai biến liên quan đến tiêm chích (dẫn đầu là tiêm vi điểm, tiêm chất làm đầy - filler), 16% liên quan phương pháp sử dụng laser, ánh sáng và các thiết bị phát năng lượng để làm đẹp, 10% do thủ thuật tái tạo da mặt, hóa chất...
Những tiến bộ trong ngành da liễu thẩm mỹ thập kỷ qua dẫn đến sự gia tăng đáng kể các kỹ thuật thẩm mỹ nội khoa, cũng đưa đến không ít rủi ro, tai biến ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe, tính mạng nhiều người. Theo định nghĩa y khoa, thẩm mỹ nội khoa là thẩm mỹ không phẫu thuật, không xâm lấn - những phương pháp chỉnh sửa, cải thiện vẻ đẹp hình thể mà không sử dụng dao kéo và không tác động sâu đến cấu trúc cơ thể. Còn thẩm mỹ ngoại khoa là phẫu thuật thẩm mỹ, xâm lấn ảnh hưởng đến cơ thể.
"Xu hướng làm đẹp không phẫu thuật ngày càng được ưa chuộng, thẩm mỹ nội khoa là mảnh đất màu mỡ nhiều người khai thác", bà Thúy nói, giải thích khi thị trường của các thủ thuật thẩm mỹ xâm lấn hoặc không xâm lấn phát triển thì bác sĩ tiếp nhận ngày càng nhiều các ca tai biến.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tai biến, có thể từ bệnh nhân như do cơ địa, không tuân thủ hay thực hiện không đúng cách chăm sóc da sau thủ thuật thẩm mỹ. Nguyên nhân khác là từ người thực hiện thủ thuật, được xem đóng vai trò quan trọng và then chốt gây ra tai biến.
Thống kê từ Bệnh viện Da liễu TP HCM cho thấy gần 78% trường hợp người thực hiện thủ thuật thẩm mỹ nội khoa gây ra tai biến không phải là bác sĩ. Hơn 15% bệnh nhân không nhận định được người thực hiện thủ thuật cho mình có phải bác sĩ hay không, "chỉ thấy mặc áo blouse".
Ngoài ra, tai biến xảy ra còn do cơ sở vật chất trang thiết bị không đảm bảo an toàn, chẳng hạn dùng thiết bị không được chứng nhận hoặc bị lỗi, sản phẩm tiêm chích lạ không rõ nguồn gốc hoặc chưa qua kiểm định, bị pha trộn thành phần. Nhiều nơi thực hiện thủ thuật không đảm bảo điều kiện vô khuẩn, không đủ phương tiện y tế cần có, cơ sở thẩm mỹ "chui" chưa được cấp phép...
Theo bác sĩ Thúy, các trường hợp tai biến thường rất đa dạng, nhiều mức độ, ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí tính mạng người bệnh. Có bệnh nhân đến spa dùng laser chữa nám má, được nhân viên thoa nhiều thuốc không rõ loại sau đó đỏ rát, ngứa da, thuốc bám màu không tróc, tình trạng nám nặng hơn. Mới đây, một cô gái bị viêm mô tế bào cấp nặng sau 10 ngày tiêm chất làm đầy vùng thái dương, hay bệnh nhân bị nhiễm trùng nặng sau tiêm tan mỡ ở spa, suýt mù do tự mua filler về tiêm...
"Hầu hết trường hợp đến bệnh viện sớm đều được xử trí kịp thời, song có những bệnh nhân chịu tai biến không thể phục hồi", bác sĩ Thúy nói. Đơn cử, một chàng trai tiêm filler đã bị mù trước khi vào viện, bác sĩ hết sức nỗ lực vẫn không thể cứu được đôi mắt bệnh nhân.
"Bác sĩ được đào tạo bài bản, có kiến thức về da liễu thẩm mỹ, thực hiện đúng quy trình thì xác suất gây ra tai biến cho bệnh nhân rất thấp", bác sĩ Thúy nói và khuyên người có nhu cầu làm đẹp cần đến bệnh viện có chuyên khoa thẩm mỹ hoặc cơ sở thẩm mỹ uy tín, được cấp phép, để thực hiện.
Một bệnh nhân bị tai biến thẩm mỹ đến Bệnh viện Da liễu TP HCM khám. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Ngành y tế TP HCM cũng khuyến cáo người dân thực hiện các dịch vụ làm đẹp xâm lấn như tiêm, chích, phẫu thuật, hút mỡ, laser..., phải lựa chọn các bệnh viện hoặc phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ đã được phê duyệt danh mục kỹ thuật và cấp giấy phép hoạt động.
Không lựa chọn cơ sở làm đẹp chỉ dựa vào tên gọi trên bảng hiệu như "thẩm mỹ viện", "viện thẩm mỹ", "spa"... Khi tiếp cận các thông tin quảng cáo trên mạng xã hội, không vội vàng tin ngay mà cần kiểm chứng thông qua nhiều kênh khác nhau, đặc biệt là truy cập Cổng tra cứu thông tin khám chữa bệnh của Sở Y tế để tìm hiểu về giấy phép phòng khám, bác sĩ, tránh tai biến.
Lê Phương