Ngày 16/2, BS.CK2 Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, cho biết bệnh nhi ngụ Tân Trụ, Long An được bệnh viện địa phương chuyển đến vào mùng 1 Tết với bàn tay trái bầm, lan lên cẳng tay trái, chảy máu nhiều, mặt lừ đừ.
Xét nghiệm ghi nhận rối loạn đông máu nặng, cùng với con rắn người nhà mang theo, bác sĩ xác định trẻ bị rắn lục đuôi đỏ cắn. Bệnh nhi được truyền 5 lọ huyết thanh kháng nọc rắn lục đặc hiệu. Sau 6 giờ truyền huyết thanh kháng nọc rắn, vết cắn sưng to và lan tiếp lên cánh tay trái.
Các bác sĩ quyết định truyền thêm 5 lọ nữa, giúp trẻ cải thiện dần 24 giờ sau đó. Vết cắn hết chảy máu, bớt sưng bầm.
"Bệnh nhi phải đón Tết trong bệnh viện, may mắn là tình trạng cải thiện nhờ cứu chữa kịp thời", bác sĩ chia sẻ.
Cánh tay bé trai sưng bầm sau khi bị rắn cắn. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Bác sĩ khuyến cáo phụ huynh phát quang xung quanh nhà, tránh rắn, ong, côn trùng vào nhà tấn công trẻ. Hướng dẫn trẻ lưu ý khi đi lại dưới ruộng cỏ, lùm cây, bởi những nơi này dễ bị rắn độc tấn công. Tốt nhất nên mang giày ủng khi lao động, làm việc vùng đồng cỏ, ruộng vườn, tránh đi chân đất. Tránh trèo cây bởi có thể bị rắn lục cắn hoặc nguy cơ té ngã.
Khi bị rắn cắn, cần cho trẻ nằm bất động và trấn an. Rửa sạch vết thương bằng xà phòng và nước. Phủ lên vết cắn bằng gạc mát để giảm đau, sưng. Băng thun hoặc vải sạch phía trên vết thương. Nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế để được chích huyết thanh kháng nọc phù hợp. Việc sơ cứu ban đầu và dùng huyết thanh kháng nọc rắn phù hợp đóng vai trò rất quan trọng trong xử trí rắn cắn.
Không rạch, nặn hút vết thương để lấy nọc. Không đắp lá cây lên vết thương vì có thể gây hoại tử nhiễm trùng. Sơ cứu không đúng sẽ gây hại thêm cho người bị rắn cắn, có thể dẫn đến đoạn chi, thậm chí tử vong.
Lê Phương