Ung thư gan hiện là loại ung thư phổ biến và gây tử vong hàng đầu tại Việt Nam. Theo bác sĩ Hà Hải Nam, Phó trưởng khoa Ngoại bụng 1, Bệnh viện K, năm 2020 ghi nhận hơn 182.000 ca ung thư mới, trong đó ung thư gan chiếm 14,5% - tương đương 26.000 ca. Mỗi năm, căn bệnh này cướp đi hơn 25.000 sinh mạng.
Đáng lo ngại, phần lớn bệnh nhân ung thư gan chỉ phát hiện khi bệnh ở giai đoạn muộn. Khi đó, khả năng điều trị rất hạn chế, thời gian sống trung bình còn lại chỉ vài tháng.
Nguyên nhân chính xác gây bệnh vẫn chưa được xác định rõ, nhưng nhiều yếu tố nguy cơ đã được xác nhận, gồm: viêm gan B, C, xơ gan, gan nhiễm mỡ, béo phì, lạm dụng rượu bia, thực phẩm mốc chứa aflatoxin, hút thuốc và tiếp xúc với môi trường độc hại. Nam giới có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nữ.

Một trong những biểu hiện đầu tiên thường gặp là vàng da. (Ảnh minh hoạ: Thanh Đặng)
Ung thư gan được mệnh danh là “sát thủ thầm lặng” bởi các triệu chứng ban đầu rất mơ hồ. Tuy nhiên, bác sĩ khuyến cáo không nên chủ quan nếu xuất hiện một hoặc nhiều dấu hiệu sau:
1. Vàng da kèm ngứa
Khi gan tổn thương, sắc tố mật bilirubin tích tụ trong máu khiến da và mắt chuyển vàng. Nhiều trường hợp còn kèm theo ngứa dữ dội – dấu hiệu cảnh báo rõ ràng chức năng gan suy giảm.
2. Sụt cân không rõ lý do
Giảm cân nhanh chóng, không do ăn kiêng hay luyện tập, là biểu hiện bất thường. Khi gan mất khả năng hấp thụ và chuyển hoá, cơ thể sẽ gầy sút nhanh chóng dù vẫn ăn uống bình thường.
3. Đau âm ỉ vùng sườn phải
Vị trí gan nằm ở hạ sườn phải. Người bệnh có thể cảm thấy nặng bụng, tức vùng gan, hoặc tự sờ thấy gan to. Nước tiểu chuyển màu vàng sẫm hoặc nâu là dấu hiệu cảnh báo bilirubin tăng cao.
4. Chán ăn, buồn nôn
Gan bị tổn thương ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa. Người bệnh thường thấy chán ăn, đặc biệt là với món nhiều dầu mỡ, kèm cảm giác đầy bụng, buồn nôn kéo dài.
5. Mệt mỏi triền miên
Mệt không rõ nguyên nhân, dù nghỉ ngơi đầy đủ hay không vận động nhiều, cũng là tín hiệu cần lưu ý. Đây là hậu quả của chức năng gan suy giảm, khiến cơ thể dễ kiệt sức.
Giai đoạn muộn – triệu chứng nặng nề, cơ hội điều trị thấp
Khi ung thư gan tiến triển, các biểu hiện trở nên rõ rệt: bụng chướng to, đau tức hạ sườn phải, sụt 5–6 kg/tháng, vàng da toàn thân, buồn nôn liên tục, khó thở. Lúc này, việc điều trị gần như chỉ mang tính hỗ trợ.
Tầm soát định kỳ – chìa khóa sống còn
Các chuyên gia khuyến cáo người dân, đặc biệt là người có yếu tố nguy cơ cao (viêm gan B, C, xơ gan, uống rượu bia nhiều), nên siêu âm gan định kỳ mỗi 3–6 tháng, kể cả khi không có triệu chứng. Phát hiện sớm giúp tăng hiệu quả điều trị và kéo dài tiên lượng sống.
Phòng bệnh bằng lối sống lành mạnh, hạn chế rượu bia, duy trì cân nặng hợp lý và chủ động tầm soát định kỳ là biện pháp hiệu quả nhất để đối phó với “sát thủ thầm lặng” mang tên ung thư gan.