Sáng 15/7, PGS.TS Nguyễn Vũ Trung, Viện trưởng Viện Pasteur TP HCM, cùng đoàn công tác đã khảo sát thực địa tại các điểm có nguy cơ cao như cửa hàng vá lốp xe, khu dân cư và một số hộ gia đình tại xã Củ Chi. Đoàn lật úp nhiều vật dụng chứa nước mưa không được đậy kín, bao gồm chậu cây, vỏ lon, lốp xe cũ và chậu chứa nước. Đây là môi trường lý tưởng cho muỗi vằn sinh sản, làm lây lan bệnh sốt xuất huyết và gây bùng phát dịch trong cộng đồng.

Bác sĩ Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Củ Chi, cho biết địa phương đã tăng cường nhiều hoạt động truyền thông qua loa đài, thăm hỏi trực tiếp và phát tờ rơi. Tuy nhiên, nhiều người dân vẫn chủ quan và chưa tuân thủ nghiêm túc các biện pháp phòng dịch như úp vật dụng chứa nước hay phát quang bụi rậm quanh nhà.

"Không ít người vẫn giữ thói quen trữ nước mưa để chăn nuôi và tưới cây. Khu vực này có nhiều khu công nghiệp và khu trọ công nhân, nên việc tiếp cận để truyền thông còn gặp nhiều khó khăn do công nhân đi làm từ sáng đến tối", bác sĩ Nghĩa cho hay.

20250715-082515-1752566850-175-5444-5808-1752567304.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=iY6xJzeCF3nPEfInPcAuHQ

Đoàn kiểm tra phát hiện nhiều vật dụng đọng nước mưa trong vườn nhà người dân ở Củ Chi. Ảnh: Lê Phương

Từ đầu năm đến nay, huyện Củ Chi (cũ) ghi nhận khoảng 1.300 ca bệnh sốt xuất huyết, tăng gấp 1,2 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Địa phương này vượt lên trở thành nơi xếp thứ nhì về số ca mắc tại TP HCM, trong khi những năm trước dịch chỉ ghi nhận chủ yếu ở Thủ Đức, Bình Chánh, Bình Tân...

Bệnh viện Đa khoa khu vực Củ Chi cũng ghi nhận số bệnh nhân sốt xuất huyết nhập viện tăng cao. Cụ thể, từ đầu năm đến 14/7, nơi nay tiếp nhận 722 ca nhập viện, trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ 65 trường hợp. Hai tháng gần đây, mỗi ngày có 20-30 bệnh nhi sốt xuất huyết điều trị tại Khoa Nhi, chiếm 20% lượng bệnh nội trú. Nơi này nhận được sự hỗ trợ chuyên môn từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, Nhi đồng 1 trong việc điều trị các ca nặng, phối hợp chuyển tuyến khi cần.

Ths.BS Lê Hồng Nga, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM cho biết trên toàn địa bàn thành phố, số ca sốt xuất huyết đang gia tăng nhanh, đặc biệt là trong khoảng một tháng nay, khi thành phố bước vào cao điểm mùa mưa, môi trường thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển. Ngay từ đầu năm, dịch đã có xu hướng gia tăng với số ca hàng tuần cao hơn cùng kỳ năm trước, nâng tổng số mắc lên gấp 1,5 lần năm 2024. Thời gian qua, TP HCM ghi nhận 6 người tử vong do sốt xuất huyết, trong đó Bình Dương (cũ) 2 ca, Bà Rịa - Vũng Tàu (cũ) 1 ca.

Viện trưởng Pasteur TP HCM đề nghị địa phương tăng cường các hoạt động chống dịch, đặc biệt là việc tuyên truyền nâng cao ý thức người dân. "Không có loăng quăng thì sẽ không có sốt xuất huyết, làm thế nào để từng hộ dân ý thức được điều này là rất quan trọng", ông Trung nói.

20250715-084920-1752567001-175-5685-1772-1752567304.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=MxzGbva11MCC-EcWzMYL5Q

Các vỏ lon để ngoài trời chứa nước mưa, có loăng quăng sinh sống bên trong. Ảnh: Lê Phương

Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM Nguyễn Văn Vĩnh Châu yêu cầu các địa phương xử lý dịch ngay khi bệnh viện thông báo "ca bệnh chỉ điểm" nhập viện. Việc này nhằm nhanh chóng tìm và diệt nơi sinh sản của muỗi để ngăn mầm bệnh lây lan.

Các địa phương cần rà soát lại các điểm nguy cơ trên địa bàn, đặc biệt trong bối cảnh số ca mắc đang tăng, có thể phát sinh nhiều điểm nguy cơ mới. Đối với nhóm công nhân, nên truyền thông trực tiếp tại khu công nghiệp hoặc tuyên truyền tại nhà vào buổi tối, cuối tuần, nhằm giảm thiểu số ca mắc và tử vong do sốt xuất huyết.

Các cá nhân, hộ kinh doanh nếu bị nhắc nhở nhiều lần mà vẫn để phát sinh lăng quăng sẽ bị xử phạt theo quy định, bác sĩ Châu cho hay. Ứng dụng "Y tế trực tuyến" tiếp tục được sử dụng để tiếp nhận phản ánh và theo dõi xử lý các điểm nguy cơ.

Người dân cần chủ động diệt lăng quăng bằng cách tìm và loại bỏ vật chứa nước có thể là nơi muỗi vằn đẻ trứng. Đậy kín xô, thùng, hồ chứa nước sinh hoạt khi không sử dụng và súc rửa thường xuyên. Thường xuyên thay nước và súc rửa bình hoa, đĩa lót chậu kiểng, ly nước cúng, hoặc thả cá bảy màu ăn lăng quăng ở hòn non bộ, cây thủy sinh. Các vật chứa nước phục vụ sinh hoạt nhưng ít dùng phải được sắp xếp, che chắn, không để ứ đọng nước.

Để diệt muỗi và phòng ngừa muỗi chích, người dân nên ngủ màn, dùng bình xịt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt muỗi. Mọi người cũng cần phối hợp với ngành y tế trong các chiến dịch diệt lăng quăng và phun hóa chất phòng chống dịch. Nếu bị sốt, hãy đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị, không tự ý điều trị tại nhà.

Lê Phương

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022