Ngày 7/2, bác sĩ Nguyễn Đình Liên, Trưởng khoa Phẫu thuật Thận tiết niệu và Nam học, Bệnh viện E, cho biết ê kíp mổ nội soi giải phóng thận, sau đó chuyển sang mổ mở, làm sao hạn chế đường mổ cho bệnh nhân đỡ đau. Viên sỏi lấy ra kích thước lớn, chiều dài 13 cm, nặng gần nửa cân. Bệnh nhân may mắn giữ được thận, hiện sức khỏe ổn định.

Bác sĩ Liên nhận định đây là một trong những viên sỏi kích cỡ lớn tại Việt Nam. Thông thường sỏi thận có kích thước trung bình từ 5 đến 20 mm đã cần được điều trị, ngay cả khi chúng không gây ra bất kỳ triệu chứng nào.

"Thế giới có những trường hợp sỏi lớn hơn nhưng không rõ có giữ được thận không", bác sĩ cho biết.

dc9a84ec50a18affd3b0-167574480-8062-3466-1675748634.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=RKkDmGheQam6W7jQI7Fnjg

Sỏi thận kích thước lớn được bác sĩ lấy ra. Ảnh: Bác sĩ cung cấp

Theo các chuyên gia, khí hậu ở vùng nhiệt đới khiến cơ thể dễ bị mất nước, làm tăng sự cô đặc nước tiểu, các tinh thể canxi dễ lắng đọng và hình thành sỏi. Bên cạnh đó, thói quen ăn mặn cũng khiến nước tiểu thải ra mặn, dễ kết tinh thành sỏi.

Yếu tố gây sỏi cũng thường do nhiễm khuẩn đường tiết niệu (nhiễm trùng đường tiết niệu). Ngoài ra, còn có những nguyên nhân phức tạp hơn nhưng thường ít gặp như dị vật trong đường tiểu.

Trong sinh hoạt, người dân nên uống nhiều nước để tăng lượng nước tiểu bài tiết, tăng cường vận động, hạn chế thức ăn mặn và không tiêu thụ thực phẩm ôi thiu, những đồ ăn có thể tạo thành sỏi.

Bác sĩ khuyến cáo để phát hiện sớm bệnh sỏi thận và các bệnh lý khác, người dân nên khám tổng thể ít nhất một lần một năm. Đặc biệt, những người đã phát hiện có sỏi, nên đi khám thường xuyên hơn tại các cơ sở y tế uy tín, bệnh viện chuyên khoa.

Thúy Quỳnh

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022