Sau tai nạn, bé vẫn sinh hoạt bình thường, được người nhà xoa dầu và dán cao lên vùng thắt lưng bị va chạm. Khi bị đau nhiều hơn, bác sĩ bệnh viện tỉnh khám phát hiện thận phải của bé bị chấn thương nặng, chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương.

Bác sĩ Vũ Duy Anh, khoa Ngoại Tiết niệu, Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết bé nhập viện trong tình trạng sốt cao, bụng chướng, có khối máu tụ lớn sau phúc mạc. Trẻ được chẩn đoán chấn thương thận phải độ IV, nhu mô bị tách làm hai phần và tụ máu lớn quanh thận.

Sau hội chẩn, các bác sĩ quyết định điều trị bảo tồn thận cho bé, hạn chế tối đa vận động, truyền dịch và theo dõi sát tình trạng mất máu để can thiệp kịp thời, song song với đó là điều trị kháng sinh phòng ngừa nhiễm trùng cho trẻ. Hơn một tuần điều trị và theo dõi tích cực, tình trạng chảy máu do vỡ thận của trẻ không tăng lên.

Sau đó, trẻ được đặt sonde lên bể thận để dẫn lưu nước tiểu và máu tụ. Hai ngày sau bé hết đau bụng, siêu âm khối máu tụ quanh thận phải giảm hơn, sức khỏe cải thiện tốt, được xuất viện.

1-1675753692-4981-1675753734.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=5YlGeizE2cDWytbi3jZTtA

Hình ảnh thận em bé bị vỡ sau tai nạn. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Bác sĩ Lê Anh Dũng, Trưởng khoa Ngoại Tiết niệu, Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết chấn thương thận là tình trạng thận bị tổn thương do lực tác động mạnh từ bên ngoài, chủ yếu do tai nạn giao thông, tai nạn sinh hoạt... Thời gian qua, khoa Ngoại Tiết niệu tiếp nhận điều trị một số trẻ bị chấn thương thận nặng sau ngã đập vùng thắt lưng vào thành của bậc cầu thang, thành bàn ở lớp học... Sau tai nạn trẻ vẫn tỉnh táo, sinh hoạt bình thường nên cha mẹ hoặc người chăm sóc dễ chủ quan mà bỏ qua các dấu hiệu cảnh báo tổn thương nội tạng ở trẻ.

Theo bác sĩ Dũng, các dấu hiệu để nhận biết sớm chấn thương thận sau tai nạn là trẻ đau vùng thắt lưng, chướng bụng và nôn ói, nước tiểu có màu hồng hoặc màu đỏ sậm. Nếu chấn thương thận phát hiện muộn, trẻ có dấu hiệu nhiễm trùng như sốt, đái buốt, đái rắt...

Chấn thương thận được chia y khoa làm 5 mức độ gồm: Độ 1 là đụng dập thận (tổn thương đụng dập tụ máu nông vùng vỏ dưới bao thận); Độ 2 là dập thận nhẹ (tổn thương dập vùng vỏ chưa đến vùng tủy thận); độ 3 là dập thận nặng (tổn thương dập vùng vỏ lan tới vùng tủy thận, kèm theo rách đài bể thận); độ 4 là vỡ thận (thận vỡ thành 2 hay nhiều mảnh); độ 5 là tổn thương cuống thận.

Các bác sĩ khuyến cáo trẻ có các dấu hiệu nghi ngờ chấn thương thận, cần được đưa đến cơ sở y tế chuyên khoa để được điều trị kịp thời.

Lê Nga

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022