"Thành phố đang trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng với tỷ lệ độ tuổi lao động khoảng 70,6%, song cũng bước vào quá trình già hóa dân số với 10,5% trên 60 tuổi", ThS. Phạm Chánh Trung, Chi cục trưởng Dân số Kế hoạch hóa gia đình TP HCM, nói nhân ngày Dân số Thế giới 11/7.
Sau sáp nhập hành chính, TP HCM trở thành siêu đô thị đông dân cả nước với khoảng 14 triệu người. Những năm qua, TP HCM (cũ) luôn có mức sinh thấp nhất cả nước, thấp hơn rất nhiều so với mức sinh thay thế mà Việt Nam đang duy trì (2-2,1 con trên một mẹ). Tình trạng này kéo dài tạo những thách thức lớn cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Cụ thể, mức sinh thấp liên tục nhiều năm, số lượng trẻ em sinh ra ngày càng ít dẫn đến lực lượng lao động trẻ trong tương lai giảm sút nghiêm trọng, ảnh hưởng khả năng duy trì nhịp độ phát triển kinh tế của thành phố. Lực lượng lao động trẻ thường là người tiên phong trong đổi mới, sáng tạo và tiếp thu công nghệ mới. Khi tỷ lệ này giảm, khả năng đổi mới và thích ứng với những thay đổi của thị trường bị ảnh hưởng, làm giảm năng lực cạnh tranh của thành phố trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Mức sinh thấp cũng đẩy nhanh tốc độ già hóa dân số và có thể dẫn đến áp lực giải quyết các vấn đề an sinh xã hội. Tỷ lệ người cao tuổi trong dân số tăng lên tạo "tháp dân số ngược", nơi số lượng người phụ thuộc (người già) lớn hơn so với số lượng người trong độ tuổi lao động. Điều này đặt gánh nặng lớn lên hệ thống an sinh xã hội, y tế và phúc lợi. Ngoài ra, khi số người đóng góp vào quỹ bảo hiểm xã hội (người trong độ tuổi lao động) giảm, còn số người hưởng lương hưu và các chế độ bảo hiểm (người cao tuổi) tăng, quỹ bảo hiểm xã hội sẽ chịu nhiều áp lực.
"Chính sách giải quyết vấn đề mức sinh thấp cần linh hoạt, toàn diện, kết hợp giữa hỗ trợ kinh tế, cải thiện môi trường sinh đẻ - nuôi con và thay đổi nhận thức xã hội về hôn nhân, sinh con", ông Trung nói.
Thời gian qua, ngành y tế TP HCM nỗ lực trong việc tham mưu chính sách giải quyết vấn đề mức sinh thấp. Cuối năm ngoái, HĐND ban hành nghị quyết quy định chính sách khen thưởng, hỗ trợ công tác dân số, trong đó hỗ trợ 3 triệu đồng đối với phụ nữ sinh đủ hai con trước 35 tuổi. Bên cạnh đó là các nghị quyết về hỗ trợ miễn học phí cho học sinh ở tất cả các cấp học trên địa bàn.
Cuối tháng 5, UBND phê duyệt Đề án Chăm sóc sức khỏe toàn diện cho người dân TP HCM và một số giải pháp góp phần làm tăng tổng tỷ suất sinh giai đoạn 2025-2030. Thành phố hướng đến các chính sách hỗ trợ kinh phí khám sức khỏe cho các đôi nam nữ trước khi kết hôn và tiêm vaccine phòng bệnh truyền nhiễm cho phụ nữ trước khi mang thai, khám sức khỏe định kỳ hàng năm cho trẻ mầm non, học sinh ở tất cả cấp học, chăm sóc sức khỏe răng miệng cho học sinh tiểu học, hỗ trợ kinh phí tiêm vaccine phòng các bệnh do HPV cho trẻ từ 11 tuổi đến 18 tuổi...

Trẻ chào đời tại bệnh viện ở TP HCM. Ảnh: Lê Phương
Theo ông Trung, ngành dân số đang tập trung truyền thông Chung tay giải quyết vấn đề mức sinh thấp vì một TP HCM phát triển bền vững và tiếp tục kêu gọi Mỗi cặp vợ chồng sinh đủ hai con. Thành phố cũng triển khai nhiều mô hình truyền thông mới như sáng tác ca khúc tuyên truyền, kịch bản truyền hình, game show truyền hình; trình chiếu trailer tuyên truyền trong rạp chiếu phim. Trình chiếu các tranh ảnh cổ động trên bảng led điện tử quảng cáo, màn hình tại trung tâm thương mại, thang máy khu căn hộ cao cấp, trên xe buýt hay tại siêu thị, cơ sở y tế...
Sau sáp nhập, đội ngũ 19.392 cộng tác viên dân số tiếp tục tham gia quản lý địa bàn dân cư, cập nhập biến động dân số, tuyên truyền vận động người dân thực hiện tốt các chính sách dân số. Đội ngũ này sẽ thường xuyên được đào tạo, tập huấn, cập nhật kiến thức thông tin về dân số.
Ngày Dân số Thế giới 11/7 năm nay có thông điệp Quyền tự quyết về sinh sản trong một thế giới đang thay đổi. Lãnh đạo ngành dân số thành phố cho rằng trong bối cảnh xã hội hiện đại ngày càng đề cao quyền tự quyết của cá nhân, việc cân bằng giữa quyền lựa chọn sinh con và trách nhiệm sinh con" là một thách thức lớn nhưng cũng là điểm then chốt trong chiến lược dân số. Mục tiêu thật sự không phải là kiểm soát tỷ lệ sinh, mà là trao cho mỗi cá nhân thông tin đầy đủ, phương tiện thích hợp, chính sách hỗ trợ và môi trường an toàn để họ có thể tự do và có trách nhiệm quyết định số con, khoảng cách giữa các lần sinh và thời điểm sinh con.
Lê Phương