Ngày 16/2, bác sĩ Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, cho biết người phụ nữ có tiền sử béo phì, trước khi mang thai nặng 132 kg. Bác sĩ quyết định sinh mổ để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và con. Ca mổ diễn ra phức tạp do sản phụ có lớp mỡ dày, gây khó khăn trong quá trình gây tê và phẫu thuật. Bệnh nhân có nguy cơ suy hô hấp trong quá trình gây tê nên cần theo dõi chặt chẽ.
May mắn, bé gái chào đời khỏe mạnh, nặng 2,6 kg. Tuy nhiên, sản phụ có nguy cơ nhiễm trùng và sản giật do bệnh nền tiểu đường thai kỳ, béo phì.
Hai mẹ con đang được theo dõi và điều trị tại bệnh viện.
Bác sĩ mổ lấy thai cho sản phụ nặng 155 kg. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Bác sĩ cho biết, béo phì khi mang thai là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng sảy thai, dị tật bẩm sinh, sinh non, tiền sản giật, tiểu đường thai kỳ, người mẹ có thể ngừng thở khi ngủ... Sản phụ béo phì phải trải qua quá trình sinh nở phức tạp, khó sinh hơn bình thường. Nếu mổ đẻ, mẹ có nguy cơ bị nhiễm trùng vết mổ, nguy cơ tắc mạch cũng cao gấp đôi so với người cân nặng bình thường.
Không chỉ có hại cho mẹ, béo phì cũng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe thai nhi. Em bé sinh ra dễ bị dị tật hoặc sinh non, chấn thương...
Bác sĩ khuyến cáo thai phụ béo phì nên thường xuyên kiểm tra chỉ số đường huyết, chức năng gan, thận, huyết áp và xét nghiệm sàng lọc thai nhi trong ba tháng đầu thai kỳ. Trong ba tháng giữa, từ tuần thai 26 đến 28, mẹ cần xét nghiệm đường huyết, theo dõi nguy cơ tiền sản giật và đái đường thai kỳ. Trong hai tháng cuối, thai phụ có nguy cơ tăng huyết áp, tiền sản giật, đẻ khó, đẻ non, cần theo dõi sát để phòng ngừa biến chứng nguy hiểm lên mẹ và bé.
Minh An