Vắc xin HPV được xem là một biện pháp quan trọng giúp phòng ngừa ung thư cổ tử cung và nhiều bệnh lý nguy hiểm do virus HPV gây ra. Tuy nhiên, nhiều phụ nữ từng có tiền sử hiếm muộn hoặc từng nạo phá thai lại băn khoăn không biết liệu mình có nên tiêm hay không, hoặc tiêm có còn mang lại hiệu quả gì nữa không. Câu trả lời là: CÓ.
Tại sao phụ nữ hiếm muộn, từng nạo phá thai nên tiêm vắc xin HPV?
- Không có chống chỉ định: Các nghiên cứu và dữ liệu thực tế đã chứng minh tính an toàn của vắc xin HPV. Tiền sử hiếm muộn hoặc nạo phá thai không làm tăng nguy cơ gặp tác dụng phụ nghiêm trọng từ vắc xin.

Ảnh minh họa
- Vẫn có thể chưa nhiễm nhiều chủng HPV nguy hiểm: HPV có hơn 100 chủng, chỉ một số gây ung thư hoặc mụn cóc sinh dục. Tiền sử hiếm muộn hay từng nạo phá thai không đồng nghĩa đã phơi nhiễm hết. Hơn nữa, cơ thể không tạo miễn dịch chéo giữa các chủng, nên tiêm vắc xin vẫn giúp phòng tránh các chủng chưa từng nhiễm.
- Tăng cường bảo vệ lâu dài cho sức khỏe sinh sản: HPV là tác nhân gây nhiều bệnh lý phụ khoa nguy hiểm, không chỉ ung thư cổ tử cung mà còn cả ung thư âm hộ, âm đạo, hậu môn… Việc tiêm chủng kịp thời giúp giảm đáng kể các rủi ro trong tương lai.
- Cần thiết với phụ nữ đang chuẩn bị cho quá trình mang thai: Tiêm phòng trước khi mang thai giúp giảm nguy cơ nhiễm HPV trong thai kỳ - giai đoạn hệ miễn dịch có thể suy yếu, dễ nhiễm bệnh hơn.
Lưu ý khi tiêm vắc xin HPV với phụ nữ hiếm muộn hoặc từng nạo phá thai
Nhìn chung, những lưu ý khi tiêm vắc xin HPV với phụ nữ hiếm muộn, từng nạo phá thai không có nhiều khác biệt với nữ giới nói chung. Đó là:
- Tham khảo ý kiến bác sĩ: Luôn thảo luận với bác sĩ về tiền sử sức khỏe chi tiết, bao gồm tiền sử hiếm muộn, các lần nạo phá thai và bất kỳ tình trạng y tế nào khác. Bác sĩ sẽ đưa ra lời khuyên cụ thể và phù hợp nhất cho trường hợp.
- Tiêm đúng độ tuổi khuyến nghị và lịch trình, đủ số mũi: Vắc xin HPV được khuyến nghị tiêm từ 9 - 45 tuổi nhưng tiêm càng sớm thì hiệu quả càng cao. Cần tuần thủ số mũi (2 - 3 tùy độ tuổi) và lịch trình.
- Không tiêm khi đang mang thai: Nếu đang trong quá trình điều trị hiếm muộn và có khả năng mang thai, hãy thảo luận với bác sĩ để sắp xếp thời điểm tiêm phù hợp - thường là trước khi bắt đầu các chu kỳ hỗ trợ sinh sản. Nếu đang tiêm mà phát hiện có thai, hãy dừng các mũi còn lại và tiếp tục sau sinh. Không cần tiêm lại từ đầu.- Có thể tiêm khi đang cho con bú: Vắc xin HPV không ảnh hưởng đến chất lượng sữa mẹ và được coi là an toàn trong thời gian cho con bú.

Ảnh minh họa
- Tầm soát định kỳ vẫn cần thiết: Dù đã tiêm phòng, bạn vẫn cần duy trì khám phụ khoa định kỳ (Pap smear, HPV test) vì vắc xin không bảo vệ khỏi toàn bộ các chủng HPV.
Tóm lại, phụ nữ có tiền sử hiếm muộn hoặc từng nạo phá thai không những có thể mà còn rất nên tiêm vắc xin HPV nếu nằm trong độ tuổi khuyến nghị. Việc tiêm chủng sẽ giúp tăng cường khả năng bảo vệ, giảm nguy cơ mắc các bệnh lý liên quan đến HPV trong tương lai, góp phần bảo vệ sức khỏe sinh sản và tổng thể của bạn.