Hôm 21/1, Tổng thống Donald Trump đã bãi bỏ sắc lệnh 14087 của cựu Tổng thống Joe Biden, được ban hành nhằm giảm chi phí thuốc kê đơn cho người dân Mỹ. Nội dung chính của sắc lệnh 14087 gồm ba mô hình liên quan việc định giá thuốc của bảo hiểm y tế liên bang Medicare và Medicaid (chương trình chung của liên bang và các bang giúp trả chi phí y tế cho người thu nhập thấp).

Mô hình đầu tiên là danh sách thuốc 2 USD của Medicare. Sáng kiến này giúp giới hạn giá một số loại thuốc generic ở mức 2 USD cho những người thụ hưởng bảo hiểm, nhằm tăng khả năng chi trả.

Mô hình tiếp theo hướng đến liệu pháp tế bào và gene, được thiết kế để cải thiện khả năng tiếp cận liệu pháp chi phí cao cho người nhận bảo hiểm Medicaid. Mô hình này nhằm mục đích thương lượng giá cả và tạo điều kiện chi trả cho người dùng.

Cuối cùng là mô hình bằng chứng lâm sàng nhanh, tập trung vào việc đẩy nhanh tiến độ phê duyệt, cung cấp các phương pháp điều trị hiệu quả thông qua việc hợp lý hóa quy trình thu thập bằng chứng cho các loại thuốc mới.

Trong sắc lệnh được ký năm 2022, Biden cho biết có quá nhiều người Mỹ không đủ điều kiện kinh tế để chi trả thuốc kê đơn. Trung bình, người Mỹ bỏ ra chi phí cao gấp hai đến ba lần so với quốc gia khác cho các loại thuốc này. Hơn 25% bệnh nhân chật vật với giá thuốc cao. Gần 30% cho biết họ đã bỏ liều, cắt đôi viên thuốc hoặc không mua thuốc do chi phí lớn.

2025-01-20T202138Z-2049658237-9577-7655-1737519474.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=ctlaDyXRdR5uPIccESzU0w

Tổng thống Donald Trump trong buổi ký loạt sắc lệnh tại Nhà Trắng ngày 20/1. Ảnh: Reuters

Chuyên gia nhận định việc bãi bỏ sắc lệnh 14087 tiềm tàng nhiều rủi ro. Chỉ thị cho Bộ Y tế - Dịch vụ Nhân sinh phát triển và thử nghiệm các mô hình mới nhằm giảm chi phí thuốc thông qua Trung tâm Đổi mới Medicare và Medicaid đã bị rút lại. Động thái này có thể làm chậm hoặc dừng tiến độ của các sáng kiến được thiết kế để giúp thuốc kê đơn có giá cả phải chăng hơn.

Số tiền thuốc ngoài bảo hiểm, người dân phải tự chi trả tăng lên. Nếu không thực hiện các mô hình mới tập trung vào việc giảm chi phí, người thụ hưởng Medicare và Medicaid tiếp tục phải tự chi trả các khoản tiền ngoài bảo hiểm, ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận một số loại thuốc nhất định.

Việc bãi bỏ sắc lệnh cũng tạo ra tình thế bấp bênh. Các chuyên gia chưa chắc chắn chính phủ liên bang sẽ giải quyết vấn đề chi phí thuốc kê đơn trong tương lai ra sao. Điều này cũng tạo tâm lý hoang mang cho người đã mua bảo hiểm.

Trong sắc lệnh hành pháp, Tổng thống Donald Trump cho biết, chính quyền tiền nhiệm đã áp dụng những biện pháp cực đoan, bất hợp pháp, gây lạm phát và không được lòng dân vào mọi cơ quan, văn phòng của chính phủ liên bang.

"Bãi bỏ các sắc lệnh sẽ là bước đầu tiên trong nhiều bước mà Mỹ tới đây thực hiện để sửa chữa các thể chế và phục hồi nền kinh tế", ông Trump nói thêm.

Đáp lại việc Trump bãi bỏ sắc lệnh, Giám đốc phản ứng nhanh của Ủy ban Quốc gia Dân chủ, Alex Floyd, nhận định đây là "kế hoạch nguy hiểm, nhằm tăng chi phí thuốc men để xoa dịu những tỷ phú đã ủng hộ ông, sau khi chính quyền Biden-Harris chống lại các công ty dược phẩm lớn và giành chiến thắng".

Dù sắc lệnh hành pháp đã bị bãi bỏ, các luật và quy định hiện hành về giá thuốc kê đơn và chính sách Medicare và Medicaid vẫn có hiệu lực. Tuy nhiên, các nỗ lực giảm giá thuốc do chính quyền tiền nhiệm thiết lập đã bị gián đoạn.

Theo các chuyên gia, động thái của ông Trump hôm 21/1 không nằm ngoài dự đoán. Mục tiêu chính trong nhiệm kỳ thứ nhất của ông cũng là tác động lên Đạo luật Chăm sóc Sức khỏe Giá cả phải chăng, còn được gọi là Obamacare. Ông đã đảo ngược chính sách "kéo dài thời gian đăng ký Obamacare thêm 12 tuần" tại 36 tiểu bang.

Theo Larry Levitt, phó chủ tịch ủy ban điều hành chính sách y tế tại Nhóm nghiên cứu phi lợi nhuận KFF, động thái này cho thấy các vấn đề mà ông Trump ưu tiên giải quyết đã thay đổi. Ông nhận định Trump "ít nghiêm túc hơn" trong việc giải quyết chi phí chăm sóc sức khỏe tại Mỹ.

Levitt cho biết hiện chưa rõ liệu chính quyền Trump có ủng hộ việc Medicare thương lượng giá thuốc hay không. Đây vốn là một điều khoản quan trọng trong Đạo luật Giảm Lạm phát của Biden. Tuần trước, Medicare công bố vòng đàm phán tiếp theo đối với hai loại thuốc kê đơn là Ozempic và Wegovy, dành cho người tiểu đường và thừa cân.

"Có vẻ Trump đang tiếp cận vấn đề chi phí y tế với sự thận trọng cao, không nhắm đến các sáng kiến lớn hơn Biden", Arthur Caplan, người đứng đầu bộ phận đạo đức y tế tại Trường Y khoa NYU Grossman, thành phố New York, nhận định.

Thục Linh (Theo Newsweek, NBC News)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022