Ngày 8/3, bác sĩ Bùi Trường Giang, Khoa Ngoại, Bệnh viện đa khoa Đức Giang, cho biết bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đau thắt lưng trái, tiểu buốt, tiểu máu, nhiễm trùng tiết niệu. Người bệnh đã khám nhiều nơi, bác sĩ chỉ định mổ lấy sỏi nhưng không đồng ý. Lâu dần, sỏi thận mọc thành chùm trong ổ bụng bệnh nhân. Bác sĩ phải thuyết phục bệnh nhân mổ nội soi qua da, ít xâm lấn, hồi phục nhanh, ông mới đồng ý.
Theo bác sĩ, ca sỏi thận tương tự thường phải mổ mở, đường mổ lớn, dịch tiết máu bắn ra dễ dẫn đến nguy cơ phơi nhiễm. Bệnh nhân HIV còn bị suy giảm miễn dịch nên nguy cơ nhiễm trùng cao và vết thương khó lành hơn người bình thường.
Người bệnh được gây mê toàn thân, sau đó bác sĩ tán sỏi qua da thành vụn nhỏ rồi hút ra ngoài. Vết mổ nội soi chỉ khoảng 8 mm, còn vết mổ mở từ 15 đến 20 cm. Trong khi mổ, bác sĩ đeo hai găng tay, đeo kính chống giọt bắn, tỷ lệ lây nhiễm HIV gần như không có.
Bác sĩ mất một tiếng đồng hồ tán thành công toàn bộ sỏi cho bệnh nhân. Một ngày sau, bệnh nhân tỉnh táo, vết mổ khô, sức khỏe tiến triển tốt.
Ảnh X-quang sỏi trong bụng bệnh nhân. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Bác sĩ khuyến cáo sỏi thận thường diễn tiến âm thầm, không có triệu chứng. Người bệnh thường chủ quan, không điều trị, ở nhà dùng thuốc nam, đến khi bệnh nặng hơn mới đi viện. Trường hợp mắc HIV hay bệnh suy giảm miễn dịch càng khiến bệnh nặng nề hơn, dễ nhiễm trùng, ứ mủ, hỏng thận, khó hồi phục hoàn toàn. Chưa kể, ở giai đoạn muộn, bệnh nhân phải can thiệp mổ mở, vết mổ lớn, khó lành, đau đớn, ảnh hưởng sinh hoạt hàng ngày.
Do đó, nên khám sức khỏe định kỳ để tầm soát và phát hiện bệnh. Người mắc bệnh truyền nhiễm, suy giảm miễn dịch cần theo dõi kỹ sức khỏe, tuân thủ điều trị để được can thiệp sớm, tránh biến chứng nguy hiểm.
Người bị bệnh thận nên ăn uống lành mạnh, nhiều chất xơ như rau xanh, trái cây và ngũ cốc; chất béo tốt từ dầu cá và dầu ô liu. Tránh ăn tinh bột, đường và chất béo không lành mạnh như bơ, bánh ngọt và bánh quy. Tập thể dục thường xuyên ít nhất 30 phút mỗi ngày để tăng cường hệ miễn dịch.
Minh An