Tận tâm - nhiệt tình và luôn hết lòng vì bệnh nhân... là cảm nhận của chúng tôi khi gặp gỡ bác sĩ Lan Nhi - bác sĩ sản phụ khoa có gần 10 năm kinh nghiệm, mang đến "trái ngọt" cho nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn. Chị còn là người bạn đồng hành về chế độ dinh dưỡng cho các sản phụ, mẹ bỉm sau sinh...
Bác sĩ hiếm muộn đem lại hạnh phúc cho nhiều cặp đôi hiếm muộn
Tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội, bác sĩ Nhi về công tác tại Trung tâm Hỗ trợ sinh sản Bệnh viện Bưu Điện. Tại đây chị đã chứng kiến nhiều câu chuyện cảm động về hành trình tìm con của các cặp đôi hiếm muộn, tận mắt thấy những giọt lệ của sản phụ suốt 9 tháng nỗ lực giữ thai…
Chú thích ảnh: Bác sĩ Lan Nhi có hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực sản phụ khoa
"Tôi từng chứng kiến một sản phụ nặng gần 100kg mắc tiểu đường thai kỳ, đe doạ tính mạng cả mẹ lẫn con. Tôi đã đề nghị được đồng hành cùng chị trong chế độ ăn uống nốt những tháng thai kỳ còn lại với hi vọng có phép màu xảy ra.
Khi ấy, tôi biết để thay đổi chế độ ăn của sản phụ sẽ rất khó vì đó là thói quen lâu dài, dạ dày không thể co lại nhanh trong thời gian ngắn. Vì thế tôi khuyên chị rằng không phải ăn kiêng khổ sở mà là ăn uống thông minh", bác sĩ Nhi nói.
Sau đó nữ bác sĩ lên thực đơn hàng ngày, theo dõi từng bữa ăn cho bệnh nhân. Nhờ đó sức khoẻ của sản phụ đã tốt hơn và "vượt cạn" thành công.
Từ đó, nữ bác sĩ quyết định tập trung nghiên cứu sâu về dinh dưỡng giúp các cặp đôi hiếm muộn tăng cơ hội thụ thai có quá trình mang thai vui khoẻ.
"Nhiều người luôn nghĩ chữa trị hiếm muộn chỉ đơn thuần là uống thuốc hoặc làm các phương pháp thụ tinh. Song thực tế, chế độ dinh dưỡng cũng góp phần không nhỏ tới hành trình tìm kiếm con của các cặp đôi.
Tôi từng giúp một cặp vợ chồng hiếm muộn 10 năm điều chỉnh chế độ ăn. Sau đó cặp đôi không chỉ giảm cân mà còn có tin vui. Chị vợ đã sinh một cặp song sinh khỏe mạnh", bác sĩ Nhi bộc bạch.
Chồng của bác sĩ Nhi cũng là một bác sĩ hiếm muộn nổi tiếng
Bác sĩ online của mọi gia đình
Hàng ngày, sau giờ làm việc tại bệnh viện, bác sĩ Nhi vẫn tranh thủ buổi tối lên mạng tư vấn dinh dưỡng cho mọi người. Ban đầu chị gặp không ít trở ngại, chẳng hạn như những câu hỏi: "Bác sĩ online liệu có đáng tin?". Khi ấy chị luôn hài hước đáp trả: "Kiến thức của tôi online nhưng đến từ sách vở, bệnh viện, những nghiên cứu và rất nhiều bệnh nhân thật".
Khi bệnh nhân áp dụng và đạt hiệu quả: Giảm cân, có thai, kiểm soát bệnh mãn tính, trẻ chào đời khỏe mạnh... thì niềm tin của mọi người đã nhân lên gấp bội. Lúc đó chị càng yêu nghề, có niềm tin bản thân sẽ làm tốt công việc hiện tại. "Giá trị công việc hiện tại của tôi nằm ở việc kết hợp giữa chuyên môn y khoa và trải nghiệm thực tế - từ việc chữa hiếm muộn đến chăm sóc sức khỏe cho cả gia đình", bác sĩ Nhi cho hay.
Hơn nữa, bác sĩ Nhi cho rằng mạng xã hội là công cụ để truyền tải thông tin khoa học, giúp mọi người hiểu cơ thể mình hơn và biết khi nào cần đến bác sĩ trực tiếp. Vì thế chị không khám bệnh, mà thay vào đó là đồng hành cùng mọi người để phòng bệnh và sống khỏe mạnh hơn.
Bác sĩ Nhi hiện là bác sĩ online của mọi nhà
Có 3 "thiên thần" đáng yêu nên càng tự ý thức phải cống hiến hết mình cho công việc
Bác sĩ Nhi hạnh phúc cho biết bản thân đã có 3 "thiên thần" đáng yêu. Vì thế mỗi lần bế con yêu trên tay, chị lại cảm nhận rõ rệt niềm hạnh phúc vô bờ của các cặp đôi hiếm muộn, càng tự ý thức phải cống hiến hết mình cho công việc.
"Tôi may mắn và đặc biệt hơn so với chị em đồng nghiệp khi có chồng cũng là bác sĩ hiếm muộn. Anh ấy chính là người thầy của tôi trong sự nghiệp y học, là tấm gương cho tôi về lòng can đảm, nhiệt thành và chính trực của một bác sĩ.
Chúng tôi có chung tiếng nói bởi đơn giản đó là trải nghiệm thực tế hơn 10 năm đồng hành cùng nhau trong cuộc sống lẫn công việc. Hơn cả, chúng tôi có chung mục tiêu nghề nghiệp: Giúp các cặp vợ chồng được thực hiện thiên chức làm cha làm mẹ", nữ bác sĩ 9X tâm sự.
Khi được hỏi "vợ chồng chị đều là bác sĩ hiếm muộn với lịch làm việc và trực dày đặc, vậy ai là người chăm sóc các con?", bác sĩ Nhi tiết lộ gia đình nhỏ như một đội bóng, người này ra sân thì người kia hỗ trợ. Quan trọng hơn, khi cả hai sở hữu những kiến thức trong việc chăm sóc sức khỏe và hạnh phúc gia đình, mọi chuyện rất đơn giản.
"Chúng tôi không mệt mỏi vì bất đồng ý kiến, bởi cả hai đều biết rằng sự khác biệt giữa 2 giới là điều tốt đẹp và đương nhiên. Tôi không thấy có gì khó khăn hay áp lực ở việc nuôi dạy con hay chăm sóc nhà cửa", bác sĩ Nhi thản nhiên nói.