1. Thuốc có thể gây táo bón
Táo bón là tình trạng rất khó chịu do nhiều nguyên nhân, trong đó có thuốc, đây là nguyên nhân mà chúng ta dễ bỏ qua. Một số loại thuốc có thể gây ra và làm trầm trọng thêm tình trạng táo bón, đặc biệt khi sử dụng với liều lượng cao hoặc khi bắt đầu sử dụng thuốc.
Dưới đây là những loại thuốc có nguy cơ gây táo bón khi sử dụng:
- Thuốc hạ huyết áp : Loại thuốc hạ huyết áp phổ biến là thuốc chẹn kênh canxi (nifedipine, verapamil…). Chức năng chính của thuốc chẹn kênh canxi là làm giãn cơ trơn của mạch máu, từ đó làm giảm trương lực cơ trơn của thành ruột, làm chậm nhu động ruột nên có thể gây táo bón. Thuốc lợi tiểu như furosemide và hydrochlorothiazide có thể gây mất nước trong cơ thể, do đó làm tăng sự hấp thu chất lỏng từ ruột kết, gây táo bón, đặc biệt ở người lớn tuổi.
- Thuốc kháng axit dạ dà y : Thuốc kháng axit dạ dày được sử dụng để trung hòa axit. Các thành phần thuốc kháng axit thông thường chủ yếu chứa các hợp chất magie, canxi hoặc nhôm... nếu dùng lâu dài sẽ dễ kết hợp với cặn thức ăn trong ruột và trở thành muối nhôm, muối canxi khó hòa tan và không thể hấp thụ, khiến phân bị khô, khó đi đại tiện hơn.
Giảm tần suất đại tiện, phân khô, cứng và khó đại tiện là những triệu chứng của táo bón.
- Thuốc giảm đau opioid : Opioid là thuốc giảm đau được sử dụng phổ biến để điều trị cơn đau do ung thư. Các thuốc giảm opioid phổ biến là morphine, tramadol, fentanyl, codeine, oxycodone... Rối loạn chức năng ruột do opioid là một biến chứng thường gặp khi điều trị bằng opioid lâu dài.
Táo bón do opioid là triệu chứng phổ biến nhất, ảnh hưởng đến 60% - 90% bệnh nhân sử dụng opioid để điều trị cơn đau do ung thư. Thuốc opioid có thể ức chế vận chuyển và nhu động đường tiêu hóa, giảm tiết dịch, tăng hấp thu chất lỏng, dẫn đến rối loạn chức năng đường ruột, bao gồm táo bón, bệnh trào ngược dạ dày thực quản, buồn nôn, nôn, chướng bụng và đau bụng.
- Thuốc kháng histamine : Ngoài công dụng điều trị dị ứng, thuốc kháng histamine còn là thành phần dược phẩm được sử dụng phổ biến để điều trị cảm lạnh. Trong số đó, thuốc kháng histamine thế hệ thứ nhất làm giảm các triệu chứng bằng cách can thiệp vào thụ thể histamine và cũng tác động lên các thụ thể phó giao cảm, làm chậm nhu động ruột nên rất dễ gặp phải phản ứng bất lợi là khó đại tiện.
- Thuốc chống trầm cảm : Thuốc chống trầm cảm bao gồm thuốc chống trầm cảm ba vòng (TCA) như amitriptyline, thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI) như paroxetine, norepinephrine và thuốc ức chế tái hấp thu serotonin-norepinephrine (SNRIs) như duloxetine và nhiều loại thuốc chống trầm cảm khác, có các cơ chế phản ứng bất lợi khác nhau đối với táo bón. Ví dụ, TCA và SNRI có thể gây ra tình trạng bài tiết dịch ruột không đủ và làm chậm nhu động cơ trơn khiến phân tồn tại trong ruột lâu hơn, dẫn đến táo bón.
- Thuốc nhuận tràng kích thích : Thuốc nhuận tràng kích thích như phenolphtalein được dùng để điều trị táo bón vì chúng kích thích thành ruột già. Tuy nhiên, nếu lạm dụng thuốc, không những dễ bị phụ thuộc theo thời gian mà còn có thể làm suy yếu trương lực của đại tràng, khiến việc đại tiện càng khó khăn hơn. Vì vậy, nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi sử dụng thuốc có chứa các thành phần đó.
- Thuốc chống viêm không steroid (NSAID) : Tác dụng dược lý của NSAID dựa trên việc ức chế enzyme cyclooxygenase (COX), do đó dẫn đến điều hòa giảm sản phẩm PGE ở cả trung tâm và ngoại vi. PGE đóng vai trò sinh lý trong việc giảm tiết axit dạ dày, tăng tiết dịch nhầy dạ dày và tăng co thắt cơ trơn đường tiêu hóa. Sự ức chế PGE có thể dẫn đến tác dụng sinh lý trái ngược và dẫn đến táo bón.
Một số loại thuốc có tác dụng phụ có thể gây táo bón.
2. Làm gì để khắc phục táo bón do thuốc?
Để xác định táo bón có phải do thuốc hay không, bác sĩ sẽ căn cứ vào các tình trạng:
- Có tiền sử dùng thuốc rõ ràng như dùng các thuốc có thể gây táo bón (nêu trên).
- Có biểu hiện lâm sàng, ví dụ, tần suất đại tiện giảm hoặc thói quen đại tiện bị trì hoãn đáng kể sau khi dùng thuốc, sau khi loại trừ nguyên nhân gây táo bón là do tổn thương đường ruột, bệnh toàn thân hoặc bệnh lý thần kinh.
- Việc ngừng dùng thuốc và điều trị triệu chứng có thể làm giảm bớt vấn đề, nhưng táo bón sẽ tái phát khi sử dụng lại thuốc.
Đối với táo bón do thuốc, có thể áp dụng các biện pháp điều trị sau:
- Cần đảm bảo uống đủ nước, ăn đủ chất xơ và tăng cường vận động, tập thể dục.
- Nếu táo bón nghiêm trọng, nên đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt và điều chỉnh kế hoạch dùng thuốc giúp giảm thiểu tác dụng phụ. Không tự ý ngừng dùng thuốc, đồng thời không lạm dụng một số loại thuốc nhuận tràng để cải thiện triệu chứng táo bón.
Để ngăn ngừa táo bón, cần hình thành thói quen sinh hoạt và đại tiện tốt, duy trì lượng nước uống đầy đủ, 1500 - 2500 ml mỗi ngày, tăng cường chất xơ như trái cây, rau, yến mạch, ngô, đậu nành..., có thể cải thiện các đặc tính của phân và thói quen đại tiện. Tập thể dục thích hợp, đặc biệt là tập thể dục cơ bụng, có lợi cho việc phục hồi chức năng đường tiêu hóa.
Cuối cùng, khi sử dụng thuốc nhuận tràng cần điều chỉnh liều lượng phù hợp để đạt được tác dụng nhuận tràng. Nói chung, chỉ dùng trong vài ngày và không được lạm dụng.