Dấu hiệu nhận biết bệnh cúm ở trẻ em

Bệnh cúm do các virus gây ra, thường gặp là cúm A/H3N2, A/H1N1, A/H5N1 và cúm B. Bệnh lây nhiễm trực tiếp từ người bệnh sang người lành thông qua các giọt bắn nhỏ khi nói chuyện, khi ho, hắt hơi. Bệnh cúm tiến triển thường lành tính, nhưng cũng có thể biến chứng nặng và nguy hiểm hơn ở trẻ em, nhất là trẻ dưới 5 tuổi.

Bệnh cúm thường bị nhầm với cảm lạnh thông thường nhưng các triệu chứng của bệnh này thường nghiêm trọng hơn những dấu hiệu điển hình của cảm lạnh như hắt hơi, sổ mũi, nghẹt mũi.

istockphoto-1326265614-612x612-5199-1733543973908-17335439740911939663963.jpg

Bệnh cúm thường bị nhầm với cảm lạnh thông thường nhưng các triệu chứng của bệnh này thường nghiêm trọng hơn.

Ở trẻ em, khoảng 2 ngày sau khi cơ thể tiếp xúc với virus cúm (thời gian ủ bệnh), các triệu chứng ban đầu có thể là: Sốt nhẹ rồi tăng dần (trên 39 độ C), ớn lạnh, ho, đau họng, đau tai, chảy nước mắt mũi, mệt mỏi, kém ăn, có thể xuất hiện triệu chứng tiêu chảy. Ở một số trẻ lớn có thể thấy đau cơ, đau mỏi chân tay, đau họng, ho và nhức ở hốc mắt… Thông thường sau từ 3-7 ngày, bệnh cúm sẽ tự khỏi dần, sốt và các triệu chứng khác thường biến mất nhưng ho và tình trạng mệt mỏi vẫn kéo dài. Tuy nhiên có trường hợp nặng, bệnh để lại nhiều biến chứng nguy hiểm.

Các biến chứng do bệnh cúm gây ra

Khi trẻ mắc cúm, hệ miễn dịch bị giảm, nếu cha mẹ không biết cách phòng tránh và chăm sóc, dễ dẫn đến các biến chứng như: Viêm họng, viêm thanh quản, viêm phế quản, viêm phổi, kích phát cơn hen phế quản…; Hoặc viêm nhiễm ngoài hô hấp như viêm tai giữa, viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim. Đặc biệt có khả năng gây tử vong cao đối với trẻ mắc bệnh mạn tính.

  • 5 nhóm người cần tiêm vắc-xin cúm ngay thời điểm này, nếu không muốn phổi yếu và mùa đông dễ ốmĐọc ngay

Biến chứng nguy hiểm nhất của bệnh cúm là hội chứng Reye (gây sưng tấy trong gan và não). Mặc dù hội chứng này rất ít gặp nhưng biến chứng rất trầm trọng và tỷ lệ tử vong rất cao. Khi các triệu chứng của cúm có vẻ như đang bớt dần, trẻ đột nhiên buồn nôn và nôn mửa. Sau đó khoảng 1-2 ngày, trẻ chuyển mê sảng, co giật rồi đi dần vào hôn mê và có thể tử vong.

Những dấu hiệu trẻ bị cúm nặng, cần đến viện ngay

Trẻ dưới 3 tháng tuổi nếu có bất kì triệu chứng nào của bệnh: Sốt cao, ho nhiều, quấy khóc, bú kém... thì cần đưa đi bệnh viện ngay.

Những dấu hiệu cúm nặng của trẻ trên 3 tháng cần đưa đi viện là: Tiểu ít hơn bình thường, sốt từ 39 độ C trở lên, sốt quá 2 ngày, đau tai, chảy dịch tai, ho nặng tiếng, nước mũi đặc xanh, thở khò khè…

Cần đưa trẻ đi cấp cứu ngay khi trẻ có bất kì một trong các dấu hiệu sau: li bì khó đánh thức, co giật, không uống được hoặc bỏ bú, nôn, có dấu hiệu tím tái, tiếng thở rít khi nằm yên.

Bạn đã biết chăm sóc trẻ mắc cúm đúng cách chưa?

Cúm là bệnh do virus gây ra nên không có thuốc điều trị đặc hiệu, chỉ điều trị triệu chứng, nâng cao thể lực, sức đề kháng và chờ bệnh tự khỏi. Nếu có biến chứng do cúm thì cần điều trị biến chứng.

Thông thường, trẻ mắc cúm sẽ sốt cao và nhanh, thậm chí tới 39-40 độ, hơi thở không có mùi hôi, cần cho trẻ dùng thuốc hạ sốt (paracetamol hoặc ibuprofen theo chỉ định của bác sĩ). Nếu dùng các loại thuốc khác phải xin ý kiến bác sĩ, bởi dễ gây tác dụng phụ như đông máu, giảm tiểu cầu, thậm chí gây những biến chứng nguy hiểm như: Chảy máu, suy chức năng gan... Không được dùng aspirin để hạ sốt cho trẻ. Tuyệt đối không tự ý mua thuốc chống cúm như tamiflu cho trẻ dùng khi chưa có chỉ định của bác sĩ.

Vệ sinh đường hô hấp cho trẻ: Với trẻ lớn có thể dùng dung dịch súc miệng thông thường hoặc dùng nước muối sinh lý để súc miệng. Vệ sinh sạch đường hô hấp cũng giúp tránh tình trạng bội nhiễm thêm vi khuẩn. Đối với trẻ nhỏ không tự súc miệng được, cha mẹ có thể cho con nằm ngửa cổ tối đa, rồi nhỏ mũi mỗi bên vài giọt nước muối sinh lý, làm sạch đường họng-mũi.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022