Theo lời kể của người nhà, bệnh nhân có hoàn cảnh gia đình khó khăn, tiền sử mổ thay van tim cách đây 5 năm, mắc đái tháo đường, tăng huyết áp, điều trị thuốc chống đông hàng ngày.

Vào lúc 5 giờ sáng ngày cuối tháng 11/2024, trên đường đi làm, chị T. không may gặp tai nạn. Sau tai nạn, bệnh nhân đau nhiều sườn trái, được người đi đường đưa vào Bệnh viện Đa khoa huyện Chương Mỹ. Tại đây, các bác sĩ đã tiến hành cấp cứu kịp thời cho bệnh nhân, đồng thời thông báo tình hình ca bệnh nặng cho Bệnh viện Đa khoa Hà Đông có sự chuẩn bị để tiếp nhận bệnh nhân.

8 giờ sáng, bệnh nhân được chuyển đến cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông trong tình trạng tỉnh, da niêm mạc nhợt, huyết áp không đo được, bụng trướng căng, chọc dò ổ bụng có máu. Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân sốc mất máu do chấn thương bụng kín nghi do vỡ lách, chấn thương ngực kín, tăng huyết áp, đái tháo đường, thay van tim.

Ngay lập tức báo động đỏ đã được kích hoạt, Ban Giám đốc trực tiếp chỉ đạo bệnh nhân được đẩy thẳng phòng mổ. Các ê-kíp bác sĩ phẫu thuật, gây mê nhanh chóng vừa hồi sức vừa tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân.

Trong mổ phát hiện trong bụng có khoảng 3000 ml máu không đông, nguyên nhân chính là chấn thương lách độ V trên nền bệnh nhân dùng thuốc chống đông, rối loạn đông máu nặng (PT 21% trong khi bình thường là 70-140%). Bệnh nhân được cắt lách, dẫn lưu ổ bụng, truyền máu trong mổ tổng 6 đơn vị máu (gồm hồng cầu, huyết tương tươi và tủa).

Sau phẫu thuật, bệnh nhân được điều trị tích cực tại phòng hồi tỉnh của khoa Gây mê hồi sức cùng với sự phối hợp của các bác sĩ khoa Hồi sức tích cực, khoa Ngoại Tiêu hóa, khoa Nội tim mạch.

7 ngày sau, bệnh nhân hồi phục tốt, tự đi lại, ăn uống tốt, dùng lại thuốc chống đông máu và được xuất viện trong sự vui mừng của gia đình.

cuu-song-benh-nhan-mac-nhieu-benh-nen-1733471899102871774125-1733500229960-17335002308661814156770.jpg

Bác sĩ khoa Ngoại tiêu hóa thăm khám cho bệnh nhân trước khi xuất viện.

BSCKII Bùi Đức Duy - Trưởng khoa Ngoại Tiêu hóa – Trưởng kíp phẫu thuật cho biết: "Đây là một trường hợp sốc mất máu do chấn thương đặc biệt trên bệnh nhân thay van tim, sử dụng chống đông thường xuyên, khiến cho khả năng cầm máu rất kém, bệnh nhân nhanh chóng rơi vào trạng thái nguy kịch.

Sau mổ bệnh nhân có nhiều khó khăn trong điều chỉnh đông máu, nếu đông máu thấp bệnh nhân có nguy cơ chảy máu sau mổ, nếu đông máu cao, nguy cơ tắc mạch, huyết khối van tim có thể gây biến chứng nguy hiểm. Với sự phối hợp của các chuyên khoa và của 2 "bệnh viện chị em" là Bệnh viện Đa khoa Chương Mỹ và Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, bệnh nhân đã hồi phục, trở về cuộc sống bình thường".

BS. Duy cũng khuyến cáo những bệnh nhân dùng thuốc chống đông nên khám, kiểm tra định kỳ để điều chỉnh chỉ số đông máu phù hợp, đồng thời tránh các va chạm có thể gây chảy máu, dù đối với người bình thường không nặng nhưng cũng có thể trở nên nguy hiểm ở người dùng thuốc chống đông.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022