Nhiều bệnh truyền nhiễm có thể phòng ngừa và điều trị được nhưng vẫn gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng đến trẻ em. Ảnh:
Theo UNICEF, các nguyên nhân chính gây tử vong ở trẻ em khác nhau tùy theo độ tuổi. Trẻ em dưới 5 tuổi đặc biệt dễ mắc các bệnh truyền nhiễm như sốt rét, viêm phổi , tiêu chảy, HIV và bệnh lao. Với trẻ lớn hơn, các bệnh không lây nhiễm, thương tích và xung đột là những mối đe dọa đáng kể.
Các bệnh truyền nhiễm thông thường hoàn toàn có thể phòng ngừa và điều trị được, song chúng vẫn đang giết chết hàng triệu trẻ em trên toàn cầu. Viêm phổi, tiêu chảy và sốt rét là nguyên nhân gây ra khoảng 30% ca tử vong trên toàn cầu ở trẻ em dưới 5 tuổi vào năm 2019. Trẻ em ở các khu vực nghèo nhất thế giới bị ảnh hưởng nhiều nhất, với các bệnh truyền nhiễm đặc biệt phổ biến ở châu Phi cận Sahara.
Viêm phổi
Viêm phổi là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em dưới 5 tuổi, giết chết khoảng 700.000 trẻ em mỗi năm. Ở nhiều nơi trên thế giới, cứ mỗi phút lại có một trẻ em chết vì viêm phổi - mặc dù căn bệnh này hoàn toàn có thể phòng ngừa được và dễ dàng kiểm soát bằng thuốc kháng sinh.
Các trường hợp tử vong ở trẻ em do viêm phổi liên quan nhiều đến tình trạng suy dinh dưỡng, thiếu nước và vệ sinh kém, ô nhiễm không khí trong nhà và không được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe.
Tất cả yếu tố này cộng với đói nghèo khiến viêm phổi trở thành bệnh bất bình đẳng, tập trung ở những người nghèo nhất trên toàn cầu.
Theo khuyến cáo của UNICEF, các biện pháp dưới đây có thể giảm hậu quả nghiêm trọng mà viêm phổi gây ra:
- Cho trẻ bú mẹ, ăn đủ chất, bổ sung vitamin A là nền tảng để giữ cho trẻ khỏe mạnh và không mắc bệnh.
- Tiêm vaccine, giảm ô nhiễm không khí trong nhà, ăn chín, uống sôi, giữ vệ sinh sạch sẽ
- Thuốc kháng sinh rất quan trọng trong điều trị viêm phổi. Năm 2021, UNICEF đã cung cấp 31,6 triệu lượt điều trị bằng kháng sinh cho trẻ em dưới một tuổi tại 54 quốc gia.
Trẻ bị viêm phổi nếu không điều trị kịp thời và đúng cách có thể gây tử vong. Ảnh: Shutterstock.
Tiêu chảy
Trong những năm gần đây, thế giới đã đạt được nhiều tiến bộ đáng kể trong việc giảm tử vong ở trẻ em do tiêu chảy. Nhưng đây vẫn là căn bệnh giết chết trẻ nhỏ hàng đầu.
Năm 2019, tiêu chảy cướp đi sinh mạng của 480.000 trẻ nhỏ trên toàn cầu, chiếm 9% tổng số trẻ dưới 5 tuổi tử vong. Những đứa trẻ này hoàn toàn có thể được cứu bằng biện pháp đơn giản mà hiệu quả như uống muối, kẽm bù nước.
Theo thống kê, khoảng 70-90% trường hợp tử vong do tiêu chảy cấp có thể được ngăn ngừa bằng cách uống muối bù nước. Trong khi đó, kẽm được ước tính làm giảm tỷ lệ tử vong do tiêu chảy 11,5%. Các chất lỏng, sữa mẹ, ăn đủ chất và sử dụng có chọn lọc thuốc kháng sinh cũng rất quan trọng.
Năm 2021, UNICEF phân phối hơn 93 triệu viên kẽm và hơn 30 triệu gói muối uống bù nước trên toàn thế giới. Cơ quan này cũng tận dụng các nguồn lực và chuyên môn trong lĩnh vực y tế; dinh dưỡng; giáo dục; giao tiếp ứng xử; nước sạch, vệ sinh để hỗ trợ phòng ngừa và điều trị tiêu chảy.
Sốt rét
Sốt rét là căn bệnh do ký sinh trùng Plasmodium mà muỗi Anophen là vật trung gian truyền bệnh. Bệnh có thể lây truyền qua đường truyền máu, mẹ sang con, dùng chung bơm kim tiêm dính máu có ký sinh trùng sốt rét hoặc do bị muỗi đốt.
Sốt rét là căn bệnh gây tử vong cao thứ ba trên thế giới với trẻ nhỏ trong độ tuổi từ một tháng đến 5 tuổi, sau viêm phổi và tiêu chảy. Năm 2019, khoảng 274.000 trẻ em dưới 5 tuổi chết vì căn bệnh này, chiếm 67% số ca tử vong do sốt rét toàn cầu.
Cứ hai phút lại có một trẻ em chết vì sốt rét.
Xóa sổ căn bệnh này đòi hỏi phải có sự tăng cường đầu tư của toàn cầu, đặc biệt là vào nghiên cứu, phát triển hệ thống y tế. Để không mắc bệnh sốt rét, các tài liệu y tế khuyến cáo chúng ta cần phòng tránh muỗi đốt, thực hiện các biện pháp sau:
Thường xuyên ngủ màn, ngay cả ban ngày và màn cần được tẩm hóa chất diệt muỗi. Đây là biện pháp tốt nhất để phòng bệnh.
Buổi tối khi làm việc phải mặc quần áo dài tay để phòng muỗi đốt, có thể sử dụng nhang xua muỗi.
Vệ sinh môi trường xung quanh nơi ở, loại bỏ những nơi trú ẩn của muỗi như phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh, sắp xếp vật dụng trong nhà ngăn nắp, sạch sẽ, quần áo phải được xếp gọn gàng không nên treo hay móc quần áo trên tường làm chỗ cho muỗi đậu...
Những người đi làm ở vùng rừng núi cần mang theo màn để ngủ, trước khi đi nên đến cơ sở y tế để được cấp thuốc uống phòng và khi trở về từ vùng rừng núi nên đến cơ sở y tế để được khám, xét nghiệm, nếu có bị sốt rét sẽ được điều trị kịp thời.
Khi thấy các triệu chứng của bệnh sốt rét như đau đầu, mệt mỏi, đau các cơ, rối loạn tiêu hóa, rét run, sốt nóng sau đó vã mồ hôi hoặc cảm thấy ớn lạnh, gai rét, người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Muỗi là vật trung gian truyền bệnh sốt rét. Ảnh: HiLab.
Bệnh lao
Bệnh lao (TB) là căn bệnh mà thế giới đã biết cách phòng ngừa và điều trị. Tuy nhiên, hơn 600 trẻ em dưới 15 tuổi chết vì bệnh này mỗi ngày, tương đương gần 1/4 triệu ca mỗi năm. Hầu hết trường hợp tử vong xảy ra ở trẻ em dưới 5 tuổi.
Các quốc gia đã phát triển các phương pháp phòng ngừa, giám sát, chẩn đoán và điều trị bệnh lao ở người lớn, song, vấn đề này ở trẻ em vẫn còn nhiều thiếu sót. Trong một triệu trẻ em mắc bệnh lao mỗi năm, chưa đến 50% được xác định và đăng ký trong hệ thống y tế quốc gia, chưa nói đến là điều trị.
96% trẻ em chết vì bệnh lao là không được điều trị. Trẻ em cũng là nhóm bị bỏ lại phía sau trong các chiến dịch đẩy lùi lao trên toàn cầu. Đây là nhóm chiếm tới 10% số ca mắc lao trên toàn cầu nhưng chỉ nằm trong số 3% tổng ngân sách của các nhà tài trợ.
Lối sống của chúng ta có tác động rất lớn đến não bộ và một số thói quen hàng ngày có thể khiến não bộ bị suy giảm chức năng một cách đáng kể.