BS Phạm Thị Kiều Loan, khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội cho biết, bệnh được xếp vào bệnh truyền nhiễm nhóm B.
Bệnh do Adeno virus có thể gây bệnh ở nhiều cơ quan trong cơ thể. Các tổn thương thường gặp nhất do mắc Adeno virus là viêm đường hô hấp trên, viêm đường hô hấp dưới, viêm kết mạc mắt (đau mắt đỏ), các bệnh lý ở đường tiêu hoá (tiêu chảy, nôn, buồn nôn,…), viêm bàng quang.
Bệnh do Adeno virus gây ra xuất hiện quanh năm. (Ảnh minh họa)
Bệnh xuất hiện quanh năm nhưng đặc biệt phát triển mạnh vào thời điểm giao mùa Xuân - Hè hoặc Thu - Đông. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi trong đó trẻ em; người lớn tuổi, người bị bệnh mạn tính,… nguy cơ nhiễm cao do có sức đề kháng kém. Lứa tuổi mắc bệnh ở trẻ em thường gặp là trẻ từ 6 tháng đến 5 tuổi.
Bệnh lây truyền do tiếp xúc trực tiếp giữa người với người, qua giọt bắn đường hô hấp hoặc lây qua niêm mạc khi bơi lội hoặc nguồn nước dùng trong sinh hoạt bị ô nhiễm, hoặc lây truyền khi người lành sử dụng chung những vật dụng cá nhân với người bệnh.
Adeno virus có thời gian ủ bệnh thường khoảng từ 8 đến 12 ngày. Bệnh có biểu hiện lâm sàng đa dạng liên quan đến cơ quan bị tổn thương, tuy nhiên bệnh thường nhẹ và tự khỏi sau vài ngày đến 1 tuần sau mắc bệnh.
Adeno virus thường gây ra các bệnh nhiễm trùng nhẹ liên quan đến đường hô hấp trên hoặc dưới, đường tiêu hóa hoặc kết mạc. Các biểu hiện thường gặp là sốt cao, ho, chảy mũi, ngạt mũi, đau họng, sưng hạch bạch huyết, viêm tai, viêm kết mạc mắt đỏ, viêm phế quản, viêm phổi, có thể kèm theo rối loạn tiêu hoá. Với trẻ có biểu hiện nặng thì xuất hiện tình trạng khó thở.
Các biểu hiện hiếm gặp của nhiễm trùng Adeno virus bao gồm viêm bàng quang xuất huyết, viêm gan, viêm đại tràng xuất huyết, viêm tụy, viêm thận hoặc viêm màng não.
Bệnh có khả năng gây ra các biến chứng nặng như suy hô hấp, nhiễm khuẩn huyết, suy đa tạng và có thể gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Các biến chứng lâu dài, gây ảnh hưởng đến sức khoẻ có thể gặp như hội chứng viêm tiểu phế quản bít tắc sau nhiễm trùng, giãn phế quản, xơ phổi.
Các biện pháp phòng tránh bệnh
Hiện bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu hay vaccine phòng bệnh hiệu quả. Do vậy, bác sĩ khuyên người dân cần:
Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất che bằng khăn vải hoặc khăn tay hoặc khăn giấy dùng một lần hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp; rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn ngay sau khi ho, hắt hơi; không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay; giữ gìn vệ sinh cá nhân, không sử dụng chung khăn mặt, đồ dùng cá nhân với người khác; vệ sinh mũi, họng thường xuyên bằng nước muối sinh lý. Đeo khẩu trang khi ra ngoài và tránh tiếp xúc với người bị bệnh. Giữ gìn môi trường sống sạch sẽ, thoáng mát, không có khói, bụi, khói thuốc lá. Chủ động đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch các loại vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng và các loại vaccine phòng các bệnh lây truyền qua đường hô hấp khác có trên thị trường để chủ động tăng cường sức đề kháng cho trẻ. Bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng để tăng sức đề kháng giúp phòng ngừa bệnh. Với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ: cho trẻ bú mẹ ngay sau sinh, hoàn toàn trong 6 tháng đầu và kéo dài đến 2 tuổi; có chế độ ăn dặm hợp lý, đầy đủ dinh dưỡng. Khi có các biểu hiện nghi ngờ nhiễm virus, người dân cần đến cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.