Theo ThS.BS Kiều Xuân Thy, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM - Cơ sở 3, mùa nắng nóng, nhiệt độ tăng cao sau những ngày lạnh, mát mẻ của mùa xuân luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây bệnh.

Dễ ngộ độc thực phẩm

Mùa nóng, nhiệt độ môi trường phù hợp cho các vi sinh vật gây hại dễ dàng phát triển trong thức ăn thường ngày. Không bảo quản đúng cách và cẩn trọng, khi sử dụng rất dễ gây ngộ độc tiêu hóa dẫn đến tiêu chảy, nôn ói, suy kiệt do mất nước..., nhiều trường hợp có thể tử vong.

Nên ăn chín, uống sôi, bảo quản thực phẩm dễ ôi thiu trong tủ lạnh và sử dụng ngay sau khi chế biến, không để thực phẩm quá lâu ngoài môi trường nhiệt độ thường. Nếu có các triệu chứng ngộ độc thực phẩm như buồn nôn, nôn ói, tiêu chảy, sốt, mệt mỏi... cần đến ngay cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.

Nhiễm các bệnh do siêu vi

Thời tiết nắng nóng thường kèm theo việc chuyển mưa, là điều kiện thuận lợi cho các bệnh lý truyền nhiễm do siêu vi như sốt xuất huyết, tay chân miệng, thủy đậu, viêm não Nhật Bản... phát triển.

Cần dọn dẹp, phát quang bụi rậm, xử lý các vùng nước đọng hoặc nơi chứa nước phải đảm bảo không để cho loăng quăng phát triển. Bổ sung đầy đủ dinh dưỡng, uống đủ nước, tập thể dục vừa phải, ngủ đủ giấc giữ sức đề kháng tốt cho cơ thể để giảm nguy cơ mắc bệnh.

233A7751-7773-1708912479.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=NFEcdAX05QP-9CZqFpxp6A

Người dân TP HCM trong thời tiết nắng nóng, tháng 4/2023. Ảnh: Quỳnh Trần

Các bệnh về hô hấp

Thay đổi đột ngột từ môi trường mát lạnh sang nóng khi chênh lệch nhiệt độ phòng có sử dụng điều hòa và ngoài trời, hoặc ở trong môi trường máy lạnh quá lâu khiến các niêm mạc đường hô hấp bị khô dễ gây nên các bệnh lý cho đường hô hấp như viêm họng, viêm mũi, viêm amidan, viêm xoang, viêm phế quản cấp và nặng hơn có thể gây viêm phổi...

Để phòng tránh các bệnh hô hấp, cần duy trì nhiệt độ máy lạnh trong phòng chênh lệch ít so với môi trường hoặc hạn chế di chuyển từ trong phòng lạnh ra trời nóng quá nhiều trong ngày. Không để nhiệt độ máy lạnh quá thấp hay sử dụng quạt hướng thẳng vào người. Bổ sung nước đầy đủ trong giờ làm việc luôn là điều cần thiết trong mọi trường hợp.

Bệnh về da

Tia UV là tác nhân gây hại lớn nhất khi cơ thể tiếp xúc với ánh nắng, đặc biệt vào mùa nóng. Bức xạ từ UV có thể gây nên sạm da, bỏng nắng, gây lão hóa da sớm và thậm chí có thể ung thư da. Đồng thời, mùa nóng cũng làm cho cơ thể ra nhiều mồ hôi dễ gây nên các bệnh lý về da như rôm sảy, viêm lỗ chân lông, viêm da dị ứng...

Sử dụng kem chống nắng, uống đủ nước, che chắn bằng các phụ kiện tối màu khi cần ra đường hoặc phải làm việc dưới môi trường tiếp xúc thường xuyên với ánh mặt trời để tránh các bệnh lý về da. Giữ gìn vệ sinh thân thể và các vùng kín của cơ thể để giảm thiểu nguy cơ viêm da.

Ảnh hưởng xấu đến người bệnh tim mạch

Thời tiết nắng nóng thường kèm theo sự mỏi mệt, huyết áp dễ tăng cao nếu người bệnh tiếp xúc đột ngột với không khí nóng sau khi ở phòng máy lạnh hoặc tắm bằng nước lạnh. Thoát mồ hôi nhiều cũng gây nên mất cân bằng điện giải, ảnh hưởng đến hoạt động của hệ tim mạch khiến tăng hoặc giảm huyết áp đột ngột, dễ dẫn đến nhồi máu cơ tim, trụy tim hoặc đột quỵ.

Cần nghỉ ngơi, bổ sung dưỡng chất đầy đủ, tránh các hoạt động ngoài trời trong các giờ nhiệt độ tăng cao, hạn chế ra đường nếu không thật sự cần thiết. Người có bệnh lý tim mạch cần thường xuyên kiểm soát bệnh bằng cách kiểm tra và sử dụng đầy đủ các thuốc được chỉ định nhằm giảm thiểu mọi nguy cơ gây nguy hiểm đến tính mạng.

Mỹ Ý

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022