Thông tin được tiến sĩ Trần Đăng Khoa, Phó vụ trưởng Sức khỏe Bà mẹ Trẻ em (Bộ Y tế) chia sẻ tại Lễ hưởng ứng Ngày thế giới vì trẻ sinh non tại Bệnh viện Từ Dũ, ngày 17/11.

Những năm gần đây, nhiều bệnh viện cả nước áp dụng các kỹ thuật y học hiện đại, tăng cường phương pháp ấp Kangaroo, ngân hàng sữa mẹ... giúp cứu sống trẻ sinh cực non tháng. Tỷ lệ trẻ sinh non được nuôi sống tăng theo từng năm, góp phần giúp tỷ lệ tử vong ở trẻ dưới một tuổi giảm từ 14,7 trên 1.000 trẻ năm 2015 xuống còn 12,1 năm 2022.

Thống kê của Bộ Y tế, tỷ lệ tử vong sơ sinh chiếm 71% tử vong trẻ em dưới một tuổi và 60% tử vong trẻ dưới 5 tuổi. Nguyên nhân là đẻ non, nhẹ cân, ngạt, chấn thương sau khi sinh, dị tật, các nhiễm khuẩn... Trong đó, nguyên nhân do đẻ non, nhẹ cân chiếm 25%.

Tổ chức Y tế Thế giới định nghĩa sinh non là chuyển dạ sinh trước 37 tuần tuổi thai. Đây là yếu tố hàng đầu tăng nguy cơ các bệnh như bại não, động kinh, mù, điếc, loạn sản phế nang phổi, bệnh lý võng mạc trẻ non tháng... Trẻ sinh non có hệ miễn dịch yếu làm tăng khả năng nhiễm trùng huyết, viêm phổi, dễ rối loạn thân nhiệt, rối loạn tiêu hóa, viêm ruột hoại tử... Chức năng phổi chưa trưởng thành nên trẻ dễ bị suy hô hấp sau sinh và tử vong.

BS.CK2 Trần Ngọc Hải, Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ, cho biết 5 năm trước, tỷ lệ cứu sống trẻ sinh non dưới 26 tuần của bệnh viện đạt 25%. Nơi này từng bước hoàn thiện quy trình, tăng trang thiết bị hồi sức sơ sinh hiện đại, giúp tỷ lệ cứu sống cải thiện dần, tăng gần 50% vào năm nay.

Chẳng hạn, chị Phạm Thị Linh, sinh con nặng 600 g lúc thai 24 tuần 5 ngày. Sau hơn 12 tuần nuôi dưỡng tại Khoa Sơ sinh, nay bé nặng 1,4 kg, có thể tự bú sữa mẹ. "Nhìn con nhỏ xíu lúc chào đời, tôi không dám nghĩ mình sẽ có được hạnh phúc ôm ấp bé mỗi ngày như hôm nay", người mẹ nói.

ba-c-si-tra-n-ngo-c-ha-i-17002-2007-9185-1700225438.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=PcRPBLWncyT-CPvgweKsYw

BS.CK2 Trần Ngọc Hải, Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ giao lưu cùng các bà mẹ có con sinh non phải chăm sóc tại viện, nay lớn lên khỏe mạnh, ngày 17/11. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Hiện, mỗi ngày khu chăm sóc Kangaroo Bệnh viện Từ Dũ chăm sóc và điều trị trung bình gần 150 ca sinh non. Nơi này đang xây dựng Trung tâm Hồi sức sơ sinh hiện đại để đáp ứng nhu cầu chăm sóc trẻ sơ sinh ngày càng tăng.

Theo bác sĩ Hải, trẻ non tháng có những đặc thù riêng, đòi hỏi sự chăm sóc đặc biệt của cả y bác sĩ lẫn nỗ lực của các gia đình. Trong đó, việc ấp Kangaroo - trẻ được nằm tiếp xúc da kề da trên ngực mẹ hoặc người chăm sóc trẻ rất quan trọng. Bệnh viện đã triển khai da kề da ngay sau sinh trên 95%, kể cả mổ lấy thai, trừ trường hợp gây mê.

Tiếp xúc da kề da ngay sau sinh giúp trẻ ổn định thân nhiệt, điều hòa nhịp thở, nhịp tim, phòng hạ đường huyết, giảm mắc các bệnh nhiễm khuẩn, giảm 40% nguy cơ tử vong sớm ở trẻ sơ sinh.

kangaroo-5-1552027993-jpeg-170-9410-4334-1700206313.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=U6Kd66rjXaIFi6u8VXVFnQ

Trẻ sinh non được bố mẹ dùng hơi ấm của cơ thể để ấp Kangaroo tại Khoa Sơ sinh, Bệnh viện Từ Dũ. Ảnh: Thành Nguyễn

Các chuyên gia khuyến cáo phòng tránh tử vong ở trẻ đẻ non, nhẹ cân bằng các biện pháp như khám thai định kỳ ít nhất 4 lần trong thai kỳ để kịp thời phát hiện các bất thường; chế độ ăn uống dinh dưỡng đầy đủ cân bằng; vận động phù hợp; chăm sóc da kề da, cho trẻ bú sớm và bú mẹ hoàn toàn; chăm sóc trẻ đẻ non, nhẹ cân bằng phương pháp Kangaroo...

Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) Việt Nam đang hợp tác với Bộ Y tế để hỗ trợ và mở rộng các can thiệp hỗ trợ cứu sống trẻ sơ sinh, bao gồm phương pháp chăm sóc Kangaroo trên khắp cả nước.

Lê Phương

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022