Những ngày gần đây, dư luận Đài Loan (Trung Quốc) liên tục xôn xao vì thông tin một người đàn ông bị suy tim, phù phổi dẫn đến suýt mất mạng sau khi ăn lẩu.

Người đó chính là anh Trần (tên đã được thay đổi), làm công việc văn phòng, năm nay 40 tuổi. Được biết, anh vốn thích ăn lẩu, mùa đông lạnh giá làm anh càng ăn món này thường xuyên hơn. Anh cho biết, mỗi buổi tối trở về nhà sau khi đi đường lạnh cóng, chẳng còn gì tuyệt hơn một nồi lẩu bốc khói nghi ngút vừa thơm ngon vừa ấm áp.

Sáng sớm ngày 14/12, vừa tỉnh giấc thì anh Trần bỗng nhiên cảm thấy khó thở và đau tức ngực. Bởi vì anh có tiền sử mắc và điều trị bệnh tim trong quá khứ nên người thân vội vã đưa anh đến bệnh viện. Trong quá trình xe cấp cứu di chuyển, anh Trần đã rơi vào trạng thái hôn mê, rất nguy kịch.

Bác sĩ khoa cấp cứu Cao Vĩ Bằng tại Bệnh viện Đại học Y khoa Đài Bắc (Đài Loan, Trung Quốc) là tiếp nhận và điều trị cho anh Trần. Sau khi thăm khám, phát hiện chứng suy hô hấp cấp dẫn tới khó thở, đau tức ngực dữ dội của bệnh nhân là do bị suy tim kết hợp với phù phổi cấp.

May mắn là đến bệnh viện kịp thời nên đã không bỏ lỡ thời điểm vàng cấp cứu. Bác sĩ Cao kể lại, dù trải qua nhiều khó khăn nhưng cuối cùng đã giữ được tính mạng cho bệnh nhân.

Khi thông tin anh Trần suýt mất mạng sau khi ăn lẩu quá thường xuyên được báo chí đưa tin, rất nhiều người bất ngờ và cảm thấy không thể tin được. Tuy nhiên, bác sĩ Cao cho biết, đúng là nguyên nhân xuất phát từ lẩu nhưng bản thân anh Trần cũng là một trường hợp đặc biệt.

Hóa ra, anh từng mắc bệnh tim và phải phẫu thuật thay van tim trong quá khứ. Trong khi đó, cơ thể của anh lại hấp thụ quá nhiều muối và nhiều nước khi ăn lẩu. Bởi vì theo người nhà kể lại, ngoài mê uống nước lẩu thì anh vốn thích đồ ăn đậm vị hơn người khác. Không chỉ nêm nhiều muối trong lẩu mà rau hoặc thịt sau khi nhúng lẩu xong cũng thường chấm thêm nước chấm, sốt hoặc muối tiêu để ngon miệng hơn.

Bác sĩ Cao giải thích, đối với người bình thường, uống nhiều nước là điều tốt, nhưng đối với bệnh nhân suy tim lại trở thành có hại. Tương tự, lượng muối mà anh Trần hấp thụ qua món lẩu đối với người khỏe mạnh chỉ ở mức bình thường, nhưng với người có tiền sử bệnh tim như anh thì lại trở nên nguy hiểm. Chưa kể, thời tiết mùa đông với nhiệt độ xuống thấp làm tăng nguy cơ mắc hoặc biến chứng trở nặng cho các bệnh tim mạch.

Ăn lẩu cũng cần cẩn trọng, nhất là với 8 nhóm người này

Theo bác sĩ Cao, từ đầu mùa đông đến nay, số bệnh nhân cấp cứu bệnh tim mạch tại bệnh viện của ông đã tăng khoảng 20% đến 30% so với bình thường và có xu hướng tiếp tục tăng cao trong những ngày giảm nhiệt độ sắp tới. Trong đó, đứng đầu là 3 bệnh: đột quỵ do mạch máu não, nhồi máu cơ tim và suy tim.

Với anh Trần, anh không chỉ suy tim mà còn bị phù phổi cấp. Bác sĩ giải thích, tỷ lệ tử vong của nhồi máu cơ tim là 2 - 5%, nếu bị phù phổi thì tỷ lệ tử vong sẽ tăng lên 10%. Chưa kể bệnh nhân này còn có tiền sử mắc bệnh tim mạch nghiêm trọng.

1671247772315514193261-1671247996087-16712479961541365034134-1671268138298-16712681389241608649485.jpg

Ảnh minh họa

Qua trường hợp của anh Trần, ông nhắc nhở rằng dù lẩu ngon và phù hợp cho mùa đông chúng ta cũng không nên ăn quá thường xuyên. Chỉ riêng đồ ăn quá nóng hay cay nhiều cũng đã làm tăng nguy cơ mắc bệnh thực quản, dạ dày, trong đó bao gồm cả ung thư. Đặc biệt là nguy cơ nhiễm vi khuẩn do thực phẩm nhúng lẩu chưa chín kỹ hay sử dụng thực phẩm chế biến sẵn quá nhiều như xúc xích, viên thả lẩu… làm tăng nguy cơ bệnh tật.

Lẩu mùa đông cũng dễ bị nhiều chất đạm hoặc hải sản, nội tạng động vật nên không nên ăn quá thường xuyên và phải chú ý thay nước lẩu. Bởi vì nước lẩu đun sôi nhiều lần sản sinh ra nhiều chất có hại cho sức khỏe như muối, purine và nitrite. Nitrite tiếp xúc với các acid amin trong thịt ở nhiệt độ cao sẽ tạo thành hợp chất nitrosamines có khả năng phá hỏng cấu trúc DNA, làm tăng nguy cơ ung thư. Do đó, cần thay nước lẩu sau khoảng 30 phút đun sôi, trước khi thực phẩm biến chất.

Đặc biệt, bác sĩ Cao nhắc nhở rằng có 8 nhóm người nên hạn chế hoặc tốt nhất là không ăn lẩu:

- Người mắc bệnh gout.

- Người tiểu đường.

- Người bị cao huyết áp.

- Người mắc bệnh gan.

- Người bị viêm họng mãn tính.

- Người bị viêm dạ dày.

- Phụ nữ mang thai.

- Người bị suy tim, mắc bệnh tim mạch.

Ông nhấn mạnh, những người này nếu vẫn muốn ăn lẩu thì phải chú ý ăn nhạt, ít cay, thực phẩm chín kỹ, chờ nguội mới ăn, chủ yếu là ăn rau và không uống nước lẩu.

16712477691522049192394-16712479672751918723904-1671247997908-1671247999337910928763-1671268140950-1671268141037676599163.jpg

Ảnh minh họa

Vào mùa đông, tất cả chúng ta cũng phải chú trọng giữ ấm, nhất là những người có tiền sử bệnh tim mạch như anh Trần. Trong đó, đặc biệt lưu ý buổi sáng vừa thức dậy và buổi tối khi vừa trở về nhà. Đây là những thời điểm nhiệt độ chênh lệch cao, dễ làm mạch máu co lại, tăng huyết áp, tăng nguy cơ cho bệnh tim mạch.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022