Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BS.CK1 Trần Thị Kim Thanh, Trưởng khoa Tim mạch IV, Khoa Nội tim mạch - Chuyển hóa, Bệnh viện Tim Tâm Đức.

Tết đến mang theo không khí sum vầy, ấm áp bên gia đình và bạn bè. Tuy nhiên, đối với người bệnh tiểu đường (đái tháo đường), những bữa ăn thịnh soạn và thay đổi trong thói quen sinh hoạt ngày Tết có thể tiềm ẩn nhiều rủi ro sức khỏe.

Những "mối nguy" với người bệnh tiểu đường ngày Tết

- Bữa ăn truyền thống trong ngày Tết của người Việt thường gồm những món nhiều thịt và dầu mỡ, tinh bột, đường và ít rau xanh, không tốt cho người tiểu đường. Ví dụ, bánh chưng, bánh tét, thịt kho tàu, xôi, thịt gà luộc, thịt đông, chả giò, chả lụa, canh khổ qua, lạp xưởng, củ kiệu, dưa hành, dưa cải chua...

- Việc ăn nhiều hơn và giảm vận động làm tăng cân, tăng đường huyết, giảm thời gian đường huyết đạt mục tiêu. Ngoài ra, thời tiết lạnh trong những ngày Tết làm giảm hoạt động của insulin góp phần làm đường huyết tăng cao hơn bình thường.

- Hơn nữa, giờ ăn thay đổi vì những chuyến đi chơi xa cũng làm tăng nguy cơ hạ đường huyết. Nguy hiểm hơn, tình trạng này làm gia tăng các biến chứng của đái tháo đường như nhiễm toan đường huyết, tăng áp lực thẩm thấu máu, hoặc hôn mê do hạ đường huyết.

Lưu ý giúp người bệnh tiểu đường ổn định đường huyết ngày Tết

- Lựa chọn thực đơn thông minh:

  • Lựa chọn thực đơn phù hợp với người bệnh đái tháo đường.
  • Áp dụng phương pháp đĩa thức ăn bằng cách lựa chọn và sắp xếp thức ăn vào một dĩa có đường kính khoảng 20 cm, theo thứ tự như sau:
    • Rau củ ít tinh bột (ví dụ bông cải xanh, súp lơ trắng, bắp cải, cà rốt, rau lá xanh đậu bắp, mồng tơi): 1/2 đĩa thức ăn. Ưu tiên các loại rau lá xanh (lưu ý nhóm khoai như khoai lang, khoai tây, khoai mỡ không thuộc nhóm rau củ này).
    • Đạm: 1/4 đĩa thức ăn. Lựa chọn nạc gà, nạc heo, nạc bò, cá, đậu phụ, nấm, trứng.
    • Tinh bột: 1/4 đĩa thức ăn. Bao gồm cơm gạo nở xốp, gạo lứt, khoai, thức ăn từ bột. Có thể chuyển đổi 1 chén cơm = 1/8 bánh chưng = 1/2 chén xôi.
  • Các loại thức ăn nên được chế biến với ít muối, đường, ít dầu mỡ, nên chọn những loại thức ăn được chế biến như luộc, hấp, tránh thực phẩm chiên, xào.

- Cẩn trọng với các loại thức uống:

  • Nước lọc hoặc nước suối được ưu tiên, cố gắng duy trì lượng nước uống 2-3 lít/ ngày. Ngoài ra, có thể dùng thêm trà hoặc cà phê không đường, nước ép rau củ như nước ép cà rốt, cần tây (dùng lượng vừa phải).
  • Cồn: không quá một ly cho phụ nữ và 2 ly cho nam giới (1 ly = 30 ml rượu mạnh = 100 ml rượu vang = 330 ml bia). Lưu ý tránh uống khi bụng đói vì tăng nguy cơ hạ đường huyết).
  • Không uống các loại nước ngọt, trà ngọt, nước trái cây ngọt như sinh tố mít, xoài, nước mía, nước dừa.

- Duy trì chế độ vận động phù hợp:

Tập thể dục giúp làm tăng chuyển hóa và cải thiện đáp ứng của cơ thể với insulin, giúp đưa đường từ máu vào cơ và các cơ quan. Do đó nên duy trì vận động ngay cả trong ngày Tết bằng việc đi bộ, đạp xe đạp, bơi lội từ 30 đến 60 phút/ngày (có thể kết hợp trong khi đi du lịch hoặc khi đến thăm nhà bạn bè, họ hàng). Ưu tiên lựa chọn thang bộ thay cho thang máy.

0-Co-Tet-chung-1-1-4941-170740-9220-8095-1736923272.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=Z2fMLkrIg5Exd98uiErjXw

Mâm cỗ Tết miền Tây với nhiều món như: Thịt kho hột vịt, canh khổ qua, tôm kho tàu, lạp xưởng, củ kiệu, dưa giá. Ảnh: Bùi Thủy

Một số lưu ý giúp kiểm soát đường huyết hiệu quả

- Cần kiểm tra đường huyết thường xuyên, luôn đem theo thuốc uống, insulin, máy thử đường huyết và không được bỏ bữa khi đi chơi xa trong ngày Tết.

- Nên ăn sáng theo chế độ ăn của người bệnh đái tháo đường trước khi đi thăm bạn bè, họ hàng. Điều này sẽ giúp bạn tránh những thức ăn ngày Tết.

- Thông báo bệnh đái tháo đường của mình cho bạn bè và người thân để họ chuẩn bị thực phẩm ít đường, ít tinh bột, tránh món tráng miệng ngọt như bánh ngọt, kẹo, mứt...

- Nếu đường huyết của bạn tăng hơn bình thường, hãy kiểm soát lại chế độ ăn và tăng cường vận động. Cần thông báo cho gia đình và bác sĩ của bạn khi đường huyết bạn tăng cao, hoặc có những triệu chứng như mệt mỏi, nhức đầu, khát nước, khô miệng, sốt, tiểu nhiều.

- Thỉnh thoảng đường huyết của bạn sẽ hạ thấp do khoảng cách giữa các bữa ăn kéo dài:

  • Bạn sẽ có triệu chứng lạnh, vã mồ hôi, choáng váng, chóng mặt, nhức đầu nhẹ.
  • Nếu mức đường huyết < 4 mmol/L (< 70 mg/dL), hãy nhanh chóng uống 1/2 ly nước trái cây ngọt, hoặc uống 3 muỗng cà phê đường với 100 ml nước, hay ngậm 3 viên kẹo để mau chóng đưa đường huyết trở lại bình thường.
  • Nếu triệu chứng không cải thiện, nên đến bệnh viện gần nhất để được thăm khám và xử trí thích hợp.

Mỹ Ý

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022