Bác sĩ Trần Đình Thắng, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Lão khoa Trung ương, cho biết người bệnh có triệu chứng mệt mỏi, ho nhiều từ trước Tết nhưng không đi khám, tự dùng thuốc kháng sinh tại nhà.

Hai ngày mùng 4, 5 Tết, bà ho nhiều hơn, mệt mỏi song "ngại đi viện vì sợ dông cả năm". Một ngày sau, bà khó thở nhiều hơn, đi cấp cứu trong tình trạng suy hô hấp, viêm phổi nặng, phải đặt ống nội khí quản, thở máy. Người bệnh đang được theo dõi tích cực, tiên lượng nặng.

Theo bác sĩ, đây là trường hợp điển hình của tâm lý trì hoãn đi viện đầu năm vì sợ xui xẻo năm mới. Đơn vị tiếp nhận nhiều bệnh nhân tương tự, cố nán ở nhà chờ qua Tết hoặc sau hai đến ba ngày có triệu chứng mới đi viện khiến bệnh nặng hơn. Bệnh nhân ngại đi khám, uống đơn cũ hoặc tự ý dùng thuốc, không tuân thủ phác đồ điều trị.

Trong khi đó, bữa ăn ngày Tết nhiều dầu mỡ, nhịp sinh hoạt xáo trộn, rượu bia tăng. Thời tiết miền Bắc nóng lạnh thất thường kèm mưa rét có hại cho sức khỏe, đặc biệt là trẻ nhỏ, người già, người suy giảm miễn dịch. Người cao tuổi có nhiều bệnh lý phối hợp, dễ bị virus, vi khuẩn tấn công khi nhiệt độ giảm đột ngột, như tai biến mạch máu não, liệt dây thần kinh ngoại biên (liệt mặt), các bệnh lý cơ xương khớp. Người cao tuổi có bệnh lý mạn tính rất dễ bùng phát các đợt cấp, gây suy hô hấp, thậm chí tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

"Quan niệm đi khám đầu năm là đen đủi mang tính chất mê tín, không có cơ sở khoa học", bác sĩ nói và nhấn mạnh việc trì hoãn khám và điều trị khiến bệnh có xu hướng nặng hơn, hậu quả rất nặng nề.

Bác sĩ Bùi Đức Ngọt, Khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Bưu Điện, khuyến cáo trì hoãn đi viện làm mất thời gian vàng để điều trị hiệu quả, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Nhiều trường hợp bị bệnh nguy hiểm vì không xử lý kịp thời, như xoắn tinh hoàn, viêm ruột thừa vỡ, suy thận, hoặc nhiễm trùng do tiểu đường nên phải cắt chân. Một số người bị sốt xuất huyết, chủ quan nghĩ bệnh không nghiêm trọng, đến khi nhập viện thì đã sốc hoặc máu cô đặc.

Hoặc, bệnh cúm có thể tự khỏi song một số trường hợp biến chứng nặng không được điều trị kịp thời có thể tử vong, với các triệu chứng khó thở, hụt hơi, sốt cao kéo dài. Bệnh nhân có dấu hiệu đột quỵ, không được cấp cứu trong 4 tiếng đầu có thể để lại tổn thương nặng nề. Bệnh nhân ung thư không được phát hiện sớm thường tốn kém chi phí, người bệnh chịu nhiều đau đớn.

z6233028693819-90b56f8cca8f4b5-4977-7455-1738660892.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=zqDvaNR-XkfTST97Y3IWOA

Bác sĩ cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang đang chăm sóc, theo dõi sức khỏe cho bệnh nhân. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Các chuyên gia khuyến cáo mọi người cần giữ ấm cơ thể khi đi ngủ và mỗi khi ra khỏi phòng, kể cả đi bộ buổi sáng, tránh để cơ thể lạnh đột ngột. Đi ngủ và thức dậy đúng giờ, tập thể dục, uống nhiều nước vào sáng sớm lúc ngủ dậy, ăn đủ bữa trong ngày, đặc biệt là bữa sáng.

Ăn nhiều rau xanh, hoa quả, đậu nành, nhiều cá, ít thịt. Sử dụng vừa phải lượng muối, mỡ trong món ăn, bỏ thuốc lá, hạn chế rượu bia... Người già cần theo dõi huyết áp, không tự ý bỏ thuốc, dùng thuốc theo đơn. Không nên quá mê tín mà phải lắng nghe cơ thể, khi có biểu hiện bất thường cần đi khám, điều trị.

Trong 9 ngày nghỉ Tết, các bệnh viện cả nước tiếp nhận khoảng 550.000 lượt khám và cấp cứu, gần 200.000 người điều trị nội trú. Trong thời gian này, gần 19.000 ca phẫu thuật được thực hiện, bao gồm hơn 3.300 ca cấp cứu do tai nạn. Hơn 16.500 trẻ chào đời trong dịp Tết.

Bộ Y tế cũng ghi nhận 711 người cấp cứu do rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thức ăn tự chế biến, say bia rượu, trong đó 444 người phải nhập viện. Chưa ghi nhận vụ ngộ độc thực phẩm hàng loạt, các dịch bệnh cũng không bất thường, được kiểm soát.

Thùy An

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022