Trong hành trình giảm cân, tính nhất quán, kiên trì và một chế độ ăn được lập kế hoạch kỹ cành là yếu tố quan trọng. Tuy nhiên, tiến sĩ Rekha B. Kumar, giám đốc y tế của chương trình giảm cân Found, cho biết trao đổi chất và nhịp sinh học cũng đóng vai trò quan trọng không kém.

"Hai yếu tố này vốn là đồng hồ tự nhiên của cơ thể. Nhịp sinh học khiến các cơ quan sản sinh hormone như insulin và melatonin. Vì vậy, việc điều chỉnh bữa trưa phù hợp với nhịp sinh học có thể hỗ trợ tăng hoặc giảm cân", tiến sĩ Kumar nói.

Câu hỏi đặt ra là "Làm thế nào để điều chỉnh thời gian ăn trưa theo đồng hồ tự nhiên của cơ thể nếu đang cố gắng giảm cân?".

Nhìn chung, tiến sĩ Kumar khuyến nghị ăn trưa từ 10h đến 14h hoặc khoảng 4 đến 5 tiếng sau bữa sáng để giữ lượng đường trong máu ổn định. Điều này cũng đảm bảo bạn không ăn quá nhiều trong bữa trưa. Để đảm bảo thói quen này, mọi người cần ăn sáng vào khoảng 8h, ăn trưa vào 12h hoặc 13h.

Nghiên cứu gần đây của Northwestern Medicine cũng ủng hộ phương pháp này. Các chuyên gia cho biết cần đảm bảo thời gian từ bữa trưa đến hai bữa sáng và tối là không quá 4 đến 5 tiếng.

side-view-friends-eating-toget-6953-2573-1702018956.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=v2qCHD7JIzURwyxDIXGrmQ

Minh họa một số người đang dùng bữa trưa. Ảnh: Freepik

"Nếu muốn ăn nhẹ để giúp no lâu trong bữa tiếp theo, hãy kiểm soát khẩu phần để tránh ăn quá nhiều. Cố gắng ăn chất đạm, chẳng hạn phô mai tươi, việt quất, hạnh nhân", tiến sĩ Kumar nói.

Bà gợi ý ăn trưa bằng 30 g protein, một ít chất xơ và chất béo lành mạnh như sandwich gà tây, bánh mì ngũ cốc với phô mai và bơ. Món yêu thích khác của bà là salad với rau chân vịt non, gà nướng, phô mai ít béo, dâu tây, quả bơ, giấm balsamic và dầu olive.

Tiến sĩ Kumar khuyên mọi người tránh ăn các món chứa nhiều carb vào bữa trưa như mì ống, pizza đóng gói, đông lạnh. Ăn nhiều carb giữa ngày có thể khiến lượng đường trong máu tăng đột biến, dẫn đến việc tích trữ glucose mà cơ thể không sử dụng để tạo năng lượng dạng mỡ.

Các chuyên gia khuyên mọi người không nên bỏ bữa trưa, dù lịch trình làm việc có bận rộn đến đâu. Thói quen xấu này có thể làm tăng cortisol, khiến mọi người cảm thấy căng thẳng và nóng giận. Nếu không thể ăn trưa, bạn có thể tiêu thụ một bữa nhẹ giàu protein, chẳng hạn một nắm hạnh nhân và một thanh protein hoặc loại sữa lắc ưa thích.

Thục Linh (Theo Parade)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022