Bác sĩ CKII Phạm Quang Nhật, Phó trưởng Khoa Điều hành Khoa kế hoạch gia đình, Bệnh viện Từ Dũ (TP HCM), nhận định để có sự bình đẳng cần xóa bỏ định kiến về giới với quan niệm rằng tránh thai là trách nhiệm của phụ nữ. Bởi trách nhiệm tránh thai là của cả 2 người trong một mối quan hệ.

Chia sẻ rủi ro

Hiện trung bình mỗi tháng, tại Bệnh viện Từ Dũ tiếp nhận khoảng 50 trường hợp là nam giới đến thực hiện các biện pháp tránh thai.

Anh N.V.C (35 tuổi, ngụ Long An) cho biết vợ chồng anh đã có 4 con nhỏ. Chứng kiến mỗi lần vợ mang thai và chuyển dạ, anh rất xót và lo lắng nhiều hơn cho sức khỏe của vợ. Chia sẻ với vợ, anh đã quyết định tìm hiểu phương pháp tránh thai ở nam giới. Chọn phương pháp thắt ống dẫn tinh, sau thủ thuật, sức khỏe anh khá ổn định, không có biến chứng. Đời sống tình dục cũng không ảnh hưởng.

importedphoto751017227-17293412892951980067874-1729382363385-1729382363475903334170.jpg

Trung bình mỗi tháng, Bệnh viện Từ Dũ (TP HCM) tiếp nhận khoảng 50 trường hợp là nam giới đến thực hiện biện pháp tránh thai

BSCKII Phạm Quang Nhật, Phó trưởng Khoa điều hành Khoa Kế hoạch gia đình, Bệnh viện Từ Dũ (TP HCM), cho biết hiện nay có một số phương pháp tránh thai dành cho nam phổ biến như: dùng bao cao su, thắt ống dẫn tinh và thuốc tránh thai (vẫn còn đang thử nghiệm). Mỗi phương pháp có ưu và nhược điểm khác nhau. Cụ thể, với bao cao su hiệu quả đạt khoảng 85-98%. Ưu điểm là phòng tránh được các bệnh lây qua đường tình dục (STDs). Tuy nhiên, nhược điểm là đòi hỏi sự kiên nhẫn và kỹ năng sử dụng. Thắt ống dẫn tinh đạt hiệu quả hơn và được xem là phương pháp tránh thai lâu dài.

  • screen-shot-2024-08-18-at-120449-am-1723914302198108562742-0-0-304-486-crop-1723914307399684900166.png

    Người phụ nữ 42 tuổi cứ gần gũi chồng là "sợ hãi", bác sĩ tiết lộ nguyên nhân có liên quan đến thuốc tránh thai

So với phương pháp tránh thai cho nam, BS Nhật cho biết với nữ giới có nhiều lựa chọn như thuốc tránh thai hằng ngày, vòng tránh thai (IUD), cấy que tránh thai... Các phương pháp dành cho nữ có mức độ hiệu quả từ 91%-99%, tùy vào mức độ tuân thủ và loại hình sử dụng. Dù có nhiều phương pháp lựa chọn nhưng nữ giới thường phải đối mặt với nhiều rủi ro hơn so với nam giới.

TS-BS Bùi Chí Thương, Trưởng Khối Sản, Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP HCM), cho biết thêm hiện nay, ngày càng nhiều nam giới chủ động tìm đến các bệnh viện chuyên khoa sản để thực hiện các biện pháp tránh thai. Bởi khi nữ giới sử dụng các biện pháp như đặt vòng tránh thai, cấy que hay uống thuốc, tỉ lệ ngừa thai cao nhưng cũng có thể gặp một số tác dụng phụ như mang thai ngoài ý muốn, rong kinh hay đau bụng kinh.

Không ảnh hưởng đời sống tình dục

"Với vai trò ngày càng quan trọng trong xã hội, nam giới nên chủ động chia sẻ trách nhiệm tránh thai cùng với nữ giới. Khi đã sinh đủ con và không có kế hoạch sinh thêm, họ có thể cân nhắc lựa chọn thắt ống dẫn tinh" - BS Thương chia sẻ.

BS Nhật cho biết quá trình thắt ống dẫn tinh thường mất khoảng thời gian từ 10-20 phút. Trong quá trình này, ống dẫn tinh - cấu trúc vận chuyển tinh trùng từ tinh hoàn ra ngoài - được cắt rời và cột lại bằng chỉ để ngăn tinh trùng kết hợp với tinh dịch khi xuất tinh. Với một số phương pháp, vết mổ rất nhỏ và không cần khâu hoặc bác sĩ dùng chỉ tự tiêu để đóng vết mổ.

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý, đây là phương pháp tránh thai chỉ nên được thực hiện khi người đàn ông chắc chắn rằng không muốn có thêm con trong tương lai. Vì vậy, đây không phải là lựa chọn phù hợp cho tất cả nam giới, đặc biệt những người còn do dự về kế hoạch sinh sản.

Trước lo lắng của nam giới trong việc lựa chọn phương pháp thắt ống dẫn tinh để tránh thai có thể ảnh hưởng đến đời sống tình dục, BS Thương khẳng định trong bối cảnh xã hội ngày càng hiện đại, các biện pháp tránh thai cho cả nam và nữ ngày càng được cải tiến mà không làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống tình dục.

Nam giới có thể lựa chọn nhiều phương pháp tránh thai, như sử dụng bao cao su, thắt ống dẫn tinh, xuất tinh ngoài và không xuất tinh. Phương pháp xuất tinh ngoài và không xuất tinh thường không mang lại hiệu quả cao. Vì vậy, thắt ống dẫn tinh hiện vẫn được xem là phương pháp tránh thai hiệu quả nhất, không xâm lấn ổ bụng và dễ thực hiện. "Sau khi thực hiện thủ thuật này, nam giới vẫn có thể duy trì đời sống tình dục bình thường. Nếu muốn có con trở lại, họ chỉ cần thực hiện thủ thuật nối lại ống dẫn tinh" - BS Thương chia sẻ.

Theo các bác sĩ, hiện nay, trên thế giới đang có những nghiên cứu và phát triển phương pháp ngừa thai bằng thuốc dành cho nam giới, điều này hứa hẹn sẽ mang lại nhiều lựa chọn hơn trong tương lai. 

Chọn cách triệt sản phù hợp

Theo các bác sĩ, hiện kỹ thuật vi phẫu phát triển hơn, do vậy việc thông nối ống dẫn tinh lại có tỉ lệ thành công khoảng 30%-70%. Tuy nhiên, xác suất thành công còn phụ thuộc vào độ tuổi và thời gian triệt sản. Vì vậy, nếu nam giới muốn tránh thai, hãy xem xét hình thức tạm thời khác!

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022