Thông tin được Cục Dân số, Bộ Y tế, nêu hôm 8/7. Cụ thể, sau sáp nhập địa giới hành chính, cả nước có 13/34 tỉnh có mức sinh dưới mức sinh thay thế (dưới 2,1 con/phụ nữ). Trong đó, 5 tỉnh có mức sinh thấp nhất cả nước là: TP HCM, Tây Ninh, Cần Thơ, Cà Mau và Vĩnh Long (từ 1,43 con/phụ nữ đến 1,6 con/phụ nữ).

Riêng TP HCM sau sáp nhập TP HCM, Bình Dương và Vũng Tàu vẫn là địa phương có mức sinh thấp nhất nước với 1,43 con/phụ nữ. Tiếp đó là Tây Ninh (nhập Long An và Tây Ninh) có mức sinh 1,52 con/phụ nữ; Cần Thơ (nhập Sóc Trăng, Hậu Giang và Cần Thơ) mức sinh 1,55 con/phụ nữ.

Địa phương duy nhất ở khu vực phía Bắc có mức sinh thấp dưới 2 con là Hà Nội (1,86 con/phụ nữ), tiếp tục giảm 0,02 con/phụ nữ so với năm 2023. Đây là mức sinh thấp nhất tại thủ đô trong lịch sử.

Sau sáp nhập, 3 tỉnh có mức sinh cao (từ 2,5 con/phụ nữ), trong đó Điện Biên mức sinh cao nhất cả nước với 2,6 con/phụ nữ. Còn Tuyên Quang (nhập Hà Giang và Tuyên Quang), Lào Cai (nhập Yên Bái và Lào Cai) là hai tỉnh xếp thứ 2 và 3 về mức sinh, lần lượt 2,55 và 2,5 con/phụ nữ. Trước sáp nhập, đây cũng là những địa phương có mức sinh cao.

18 tỉnh còn lại có tổng tỷ suất sinh đạt mức sinh thay thế đến dưới mức sinh cao (từ 2,1 con/phụ nữ đến dưới 2,5 con/phụ nữ).

Anh-chup-Man-hinh-2025-07-08-l-2411-9347-1751947929.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=o9eNBZT3LixMPmogBvRhVA

Mức sinh của 34 tỉnh, thành phố sau sáp nhập. Ảnh: Cục Thống kê

Theo Bộ Y tế, mức sinh của Việt Nam hiện chỉ đạt 1,91 con/phụ nữ, nằm trong top 5 nước thấp nhất khu vực Đông Nam Á. So với mức trung bình khu vực (2,0 con/phụ nữ), Việt Nam chỉ cao hơn Brunei (1,8 con/phụ nữ), Malaysia (1,6 con/phụ nữ), Thái Lan và Singapore (1,0 con/phụ nữ).

Theo các chuyên gia, mức sinh thấp tại Việt Nam chịu ảnh hưởng từ nhiều yếu tố như áp lực công việc, khó khăn tài chính, ưu tiên phát triển sự nghiệp và thay đổi nhận thức xã hội. Ở khu vực nông thôn, phụ nữ thường sinh nhiều con hơn do kết hôn sớm, ảnh hưởng bởi phong tục tập quán, đặc biệt tại các vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, xu hướng giảm sinh ở nông thôn đang ngày càng rõ rệt.

Mức sinh thấp tác động sâu sắc đến cơ cấu dân số, làm suy giảm nhóm dân số trong độ tuổi lao động, đẩy nhanh quá trình già hóa và ảnh hưởng tiêu cực đến quy mô dân số. Các chuyên gia cảnh báo, nếu không có biện pháp kịp thời, Việt Nam có thể đối mặt với nguy cơ "sụp đổ dân số", gây tê liệt nền kinh tế.

Chiến lược dân số Việt Nam đến 2030 là duy trì vững chắc mức sinh thay thế, tức bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có 2,1 con, quy mô dân số 104 triệu người. Vì vậy, thời gian qua, Bộ Y tế đề xuất nhiều nội dung nhằm đảm bảo mức sinh thay thế, hỗ trợ, khuyến khích người dân sinh đủ hai con. Trong đó, bãi bỏ tiêu chí giảm sinh con thứ 3 trở lên, khuyến khích phụ nữ kết hôn trước tuổi 30 và sinh đủ hai con trước tuổi 35.

Nhiều tỉnh cũng áp dụng chính sách thưởng tiền để khuyến khích sinh. Mới đây, TP.HCM đã lập danh sách hỗ trợ phụ nữ nếu sinh đủ 2 con trước 35 tuổi với chi phí 3 triệu đồng.

Widget Tra cứu phường xã sau sáp nhập

Lê Nga

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022