Vào tháng 4, Esther Jeong đã đến Hàn Quốc để tiêm chất tăng sinh collagen Juvelook Volume. Đây là một loại chất làm đầy được sử dụng trong thẩm mỹ để cải thiện độ đầy đặn và làm mờ nếp nhăn trên khuôn mặt. Sản phẩm chứa collagen và hyaluronic acid, giúp da căng mịn, giữ ẩm và giảm dấu hiệu lão hóa. Tuy nhiên, như mọi thủ thuật tiêm, Juvelook Volume cũng có thể gây ra tác dụng phụ hoặc biến chứng

Ngay sau khi tiêm, Jeong bị mất thị lực ở một mắt. Ban đầu, bác sĩ cho rằng đây chỉ là tác dụng phụ tạm thời của thuốc tê và dự đoán rằng thị lực của cô sẽ phục hồi. Tuy nhiên, sau một thời gian, thị lực của Jeong không trở lại như kỳ vọng.

Không lâu sau, cô đến phòng cấp cứu để kiểm tra tình trạng mắt nhưng không được điều trị, vì gần đây có can thiệp thẩm mỹ. Các bác sĩ nhãn khoa sau đó xác nhận Jeong bị tắc động mạch mắt, dẫn đến tổn thương mô võng mạc và gây ra tình trạng mù một mắt. Jeong mô tả thị lực của mình giống như "điểm ảnh chết" trên màn hình.

"Mọi thứ tôi nhìn vào, mỗi khi tôi di chuyển mắt, đều giống như bị xóa sạch. Thật sự rất kinh hoàng, như một cơn ác mộng", cô kể lại.

Là một nhà thiết kế và nghệ nhân làm gốm, thị lực là yếu tố quan trọng trong sự nghiệp của Jeong. Sau khi các bác sĩ xác nhận rằng tổn thương do Juvelook sẽ kéo dài vĩnh viễn, Jeong bắt đầu tìm kiếm các phương pháp điều trị thử nghiệm tại Hàn Quốc. Tuy nhiên, tất cả đều không mang lại kết quả khả quan. Cảm thấy kiệt quệ về mặt cảm xúc, tinh thần và tài chính, Jeong quyết định đòi bồi thường.

"Tôi sợ sẽ không nhận được khoản đền bù thỏa đáng, vì chuyện này ảnh hưởng rất lớn đến sự nghiệp và tương lai của tôi. Cảm giác kiệt quệ về tinh thần, cảm xúc và tài chính thật sự rất nặng nề", cô chia sẻ.

Jeong chia sẻ cô đã nghiên cứu kỹ càng trong hơn một năm và tin rằng các phương pháp điều trị này là an toàn. Tuy nhiên, sau khi sự cố xảy ra, cô muốn cảnh báo mọi người, đặc biệt là những ai có ý định thử các phương pháp điều trị da ở Hàn Quốc, rằng những biến chứng như vậy hoàn toàn có thể xuất hiện.

312634522-135323149270698-7119-6032-6817-1745380368.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=E7D-_5YA_d8eDN8gH3HinA

Nghệ nhân làm gốm Esther Jeong, 29 tuổi. Ảnh: Esther Jeong

Trên TikTok, nhiều người dùng khác cũng đã chia sẻ những câu chuyện về việc mất thị lực, dù không phải do các phương pháp điều trị da của Hàn Quốc. Một người viết: "Tôi vừa bị mù mắt trái do bong võng mạc! Tôi cũng là một nghệ sĩ. Thật sự rất đau buồn". Người khác chia sẻ: "Năm 10 tuổi, một quả bóng đá đập vào mắt tôi. Tôi mất thị lực ở mắt phải, phần võng mạc đã chết. Mắt trái trở thành mắt chủ đạo. Tôi quên mất mình bị mù một phần khi cả hai mắt đều mở".

Ngoài ra, một số người cũng bày tỏ sự phẫn nộ đối với các phương pháp điều trị da của Hàn Quốc, kêu gọi Jeong nêu tên bác sĩ và cơ sở hành nghề. Một người bình luận: "Đây là sơ suất y tế. Nếu khoản dàn xếp không đủ cho bạn, hãy tìm lời khuyên pháp lý và có thể kiện".

Đây không phải là lần đầu tiên các phương pháp điều trị da tại Hàn Quốc bị chỉ trích. Năm ngoái, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ đã đưa ra cảnh báo sau khi 4 người nhập viện vì bị tiêm botox giả.

Để đảm bảo an toàn khi sử dụng các phương pháp thẩm mỹ, đặc biệt là chất làm đầy và tiêm botox, các chuyên gia y tế khuyến cáo người tiêu dùng tìm hiểu kỹ về các sản phẩm cũng như cơ sở thực hiện. Tiến sĩ David Lortscher, bác sĩ da liễu, cho biết việc lựa chọn các chất làm đầy không rõ nguồn gốc hoặc không được kiểm định có thể dẫn đến các rủi ro nghiêm trọng, như tắc mạch máu và tổn thương mô. Theo ông, các biến chứng như mù lòa, dù hiếm gặp, vẫn có thể xảy ra nếu chất làm đầy di chuyển vào động mạch gần mắt.

Các bác sĩ nhãn khoa cũng chỉ ra rằng, tiêm filler gần mắt có thể gây tắc nghẽn các động mạch nuôi dưỡng mắt, dẫn đến tổn thương võng mạc. Tiến sĩ Michael D. Streit,chuyên gia nhãn khoa tại Bệnh viện Mắt Harvard, khuyến cáo mọi người lựa chọn các cơ sở y tế được cấp phép, có bác sĩ chuyên môn và đầy đủ trang thiết bị để thực hiện bất cứ phương pháp thẩm mỹ nào.

Thục Linh (Theo Daily Dot)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022