Ca phẫu thuật diễn ra tại Trung tâm Y tế Ronald Reagan UCLA ngày 4/5, công bố hôm nay sau khi bệnh nhân hồi phục. Oscar Larrainzar, 41 tuổi, cha của 4 con, từng cắt bỏ cả bàng quang và hai quả thận do biến chứng từ ung thư và bệnh thận giai đoạn cuối. Nhiều năm sống nhờ chạy thận nhân tạo, Larrainzar hiện đã hồi phục ngoạn mục sau ca phẫu thuật kéo dài 8 giờ để ghép bàng quang. Thành tựu này mở ra cánh cửa mới giúp điều trị mới cho bệnh nhân ung thư đường tiết niệu và những người mất chức năng bàng quang do bệnh lý nặng.
"Tôi như một quả bom hẹn giờ vậy. Nhưng giờ tôi đã có hy vọng", Larrainzar chia sẻ.
Ca phẫu thuật được xem là cột mốc đột phá trong y học ghép tạng, kết hợp giữa ghép thận và ghép bàng quang từ người hiến đã qua đời. Đây là kết quả của hơn 4 năm nghiên cứu, thực hành phẫu thuật trên mô hình động vật và phát triển kỹ thuật mới bởi tiến sĩ Nima Nassiri (UCLA) và tiến sĩ Inderbir Gill (Đại học Nam California).
"Đây là một khoảnh khắc lịch sử trong y học. Lần đầu tiên, bàng quang được thêm vào danh sách các bộ phận cơ thể có thể ghép thành công, bên cạnh tim, thận, gan hay phổi", bác sĩ Gill, giám đốc điều hành Viện Tiết niệu của USC, nhận định.
Trước đây, ca ghép bàng quang không khả thi do cấu trúc mạch máu vùng chậu phức tạp và những thách thức kỹ thuật chưa thể vượt qua. Những bệnh nhân phải cắt bỏ bàng quang thường được tái tạo hệ thống dẫn nước tiểu bằng một phần ruột non, dễ dẫn đến biến chứng như nhiễm trùng và rối loạn tiêu hóa.
"Đối với bệnh nhân phù hợp, thật phấn khích khi có thể cung cấp một lựa chọn điều trị hoàn toàn mới", tiến sĩ Nassiri nói. Ông cũng là giám đốc Chương trình ghép bàng quang hỗn hợp mạch máu tại UCLA.

Các bác sĩ tại Trung tâm Y tế Ronald Reagan UCLA trong ca phẫu thuật ghép bàng quang kéo dài 8 tiếng ngày 4/5. Ảnh: UCLA Health
Sau phẫu thuật, quả thận được ghép lập tức hoạt động, sản sinh ra lượng lớn nước tiểu và bàng quang mới đảm nhiệm tốt vai trò dẫn lưu. Larrainzar không còn cần lọc máu sau phẫu thuật, dấu hiệu phục hồi được đánh giá là rất khả quan.
Tuy nhiên, các bác sĩ thừa nhận còn nhiều câu hỏi chưa có lời giải như bàng quang được ghép sẽ hoạt động ra sao trong dài hạn? Người bệnh sẽ cần dùng thuốc ức chế miễn dịch bao lâu để tránh đào thải tạng ghép?
Nhóm chuyên gia đang lên kế hoạch triển khai thêm các ca ghép bàng quang như một phần của thử nghiệm lâm sàng tại UCLA Health, nhằm đánh giá mức độ an toàn, biến chứng và hiệu quả lâu dài của kỹ thuật này.
"Cấy ghép là phương pháp cứu sống và nâng cao chất lượng sống cho nhiều tình trạng tổn thương cơ quan. Giờ đây, chúng ta có thể chính thức thêm bàng quang vào danh sách đó", bác sĩ Gill nói.
Sự thành công của ca phẫu thuật này cũng nối tiếp một loạt đột phá trong lĩnh vực ghép tạng thời gian gần đây, bao gồm ca ghép tử cung giúp một phụ nữ Anh mang thai thành công và các ca ghép tim hiếm gặp tại New York-Presbyterian giúp cứu sống ba trẻ nhỏ.
Thục Linh (Theo Guardian, NY Post)