Nhận biết men gan cao

Men gan tăng cao thường gặp ở các bệnh nhân có bệnh lý về gan hoặc người lạm dụng rượu bia. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới men gan tăng cao. Men gan tăng cao được phân loại thành 3 mức độ:

  • Mức độ nhẹ: Chỉ số men gan tăng cao < 5 lần so với mức bình thường.
  • Mức độ trung bình: Chỉ số men gan tăng cao từ 5-10 lần so với mức bình thường.
  • Mức độ nặng: Chỉ số men gan tăng cao >10 lần so với mức bình thường.

Để biết mình có bị tăng men gan hay không? Mọi người cần thực hiện các xét nghiệm máu để phát hiện. Khi bệnh đã có những biểu hiện ra ngoài như vàng mắt, vàng da , mệt mỏi, chán ăn, sốt nhẹ... là bệnh đã ở giai đoạn trung bình đến nặng.

tang-men-gan-la-gi-1677645304583554745857-1677804244162-16778042442562023738331.jpg

Bảng chỉ số mức độ tăng men gan.

Men gan tăng cao có nguy hiểm không?

Trong trường hợp men gan tăng cao >200 UI/L sẽ có những nguy cơ dẫn đến suy gan cấp và nguy hiểm đến tính mạng. Nếu trường hợp men gan tăng cao trong thời gian dài sẽ có nguy cơ mắc các bệnh xơ gan , ung thư gan .

Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, men gan tăng cao kéo dài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.

Cách chữa men gan cao

Cách chữa men gan cao phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Trong trường hợp men gan tăng nhẹ, nồng độ men gan tự trở về lúc bình thường, bệnh nhân sẽ không cần điều trị. Ngoài ra, khi xét nghiệm và tìm ra nguyên nhân gây men gan cao, các bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị hợp lý. Quan trọng nhất là tìm nguyên nhân của tăng men gan để điều trị, không phải chỉ điều trị hạ men gan đơn thuần.

Nếu nguyên nhân do rượu bia, người bệnh cần hạn chế rượu bia, hạn chế các đồ ăn gây hại cho gan như đồ nhiều dầu mỡ, thực phẩm nhiều gia vị… để tránh quá tải cho gan.

Trong những trường hợp do viêm gan virus gây ra, các bác sĩ sẽ lên phác đồ điều trị với những loại thuốc kháng virus nhằm hạn chế sự phát triển của virus từ đó làm giảm men gan.

Ngoài ra, người bệnh không nên tự ý sử dụng các thuốc hạ men gan (đông y và tây y). Bệnh nhân cần đến các cơ sở y tế uy tín để được khám và điều trị theo phác đồ. Nếu không điều trị kịp thời và đúng phương pháp, bệnh có thể tiến triển nặng và gây ra các biến chứng nguy hiểm.

men-gan-tang-la-benh-gi-16776458880981842532230-1677804246873-16778042469571067134307.jpeg

Ở giai đoạn đầu, tăng men gan ít khi biểu hiện các triệu chứng. Men gan tăng cao có thể phát hiện qua xét nghiệm máu.

Cách hạ men gan. Làm sao để men gan không tăng?

Làm sao để hạ men gan? Nếu tình trạng men gan cao khiến bạn lo lắng, hãy thực hiện các phương pháp giúp hạ men gan và giảm các tổn thương cho gan như sau:

- Chế độ dinh dưỡng hợp lý. Uống đủ nước giúp hỗ trợ quá trình đào thải chất độc hiệu quả hơn. Hạn chế rượu bia và đồ uống có cồn, thực phẩm cay nóng nhiều dầu mỡ. Không sử dụng các chất kích thích. Nên bổ sung các loại thực phẩm chứa nhiều vitamin A, B1, B2… như gan động vật, rau xanh, nước ép hoa quả, trứng, sữa…

- Lối sống lành mạnh. Thường xuyên tập thể dục thể thao, không thức khuya, ngủ đủ giấc và ngủ sớm. Tránh những yếu tố gây căng thẳng trong cuộc sống.

- Thường xuyên thăm khám định kỳ, thăm khám chuyên khoa nếu thuộc các đối tượng có nguy cơ cao. Những người có bệnh lý về gan nên khám định kỳ 6 tháng/lần. Trong trường hợp phát hiện men gan tăng sớm sẽ được điều trị, tránh các biến chứng sau này.

- Thận trọng khi dùng thuốc, cần có sự hướng dẫn của các bác sĩ. Tiêm phòng vaccine viêm gan đầy đủ.

Khám men gan cao ở đâu?

Địa chỉ khám gan tại Hà Nội. Nếu có dấu hiệu nghi ngờ men gan tăng cao, người bệnh nên tới các cơ sở y tế có chuyên khoa phòng và thế mạnh về bệnh Tiêu hóa - Gan mật.

  • Khoa Nội tiêu hóa – Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Địa chỉ: 01 Trần Hưng Đạo, Hai Bà Trưng, Hà Nội)
  • Khoa Khám chữa bệnh theo yêu cầu hoặc Khoa Tiêu hóa – Bệnh viện Bạch Mai (Địa chỉ số 78 Giải Phóng, Đống Đa, Hà Nội)
  • Khoa Nội tổng hợp, Khoa Ngoại và Trung tâm nội soi – Bệnh viện Đại học Y Hà Nội (Địa chỉ 1 Tôn Thất Tùng, Đống Đa, Hà Nội).

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022