Cô gái hơn 20 tuổi nằm bất động trên đất, mặt mũi, quần áo đen kịt muội than, tỉnh nhưng khóc không ngừng, có dấu hiệu chấn thương sọ não và gãy tay phải, bỏng nhẹ. Cô là một trong khoảng 30 người thoát chết khi hỏa hoạn bùng lên tại cơ sở karaoke rộng cả nghìn m2 trên đường Trần Quang Diệu, phường An Phú (TP Thuận An), tối 6/9.

Bác sĩ Nguyễn Quỳnh Anh 27 tuổi, Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện An Phú, trưởng kíp cấp cứu ngoại viện, quỳ sát bên cô gái, hỏi từng câu và lắng nghe trả lời của nạn nhân để đánh giá tri giác, phán đoán mức độ chấn thương ban đầu.

"Chị tên gì?

Chị sinh năm bao nhiêu?

Chị thấy đau ở đâu nhất?

Chị có khó thở không?

Chị nhảy từ lầu mấy xuống?...".

Nạn nhân sau đó được khiêng lên băng ca, đưa về bệnh viện, trên xe có thêm hai nạn nhân khác tình trạng ít nghiêm trọng hơn.

"Cô ấy là nạn nhân đầu tiên được đội cấp cứu hiện trường tiếp cận", bác sĩ Quỳnh Anh kể. Phía sau quán karaoke thêm một số nạn nhân bị thương hoặc ngạt khí được đưa ra. Lối đi khu vực này khá hẹp, chừng 60 cm, vừa đủ một người đi. Ê kíp cấp cứu xách cáng, len vào lối hẹp, người dìu đỡ, người khiêng cáng đưa nạn nhân ra ngoài.

-7435-1662694461.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=D-dqCzEtwA77BjP-05gf3g

Xe cứu thương của các bệnh viện túc trực tại hiện trường đám cháy đêm 6/9. Ảnh: Thái Hà

Bệnh viện An Phú gần hiện trường đám cháy nhất, khoảng 700 m, nên có mặt ứng cứu sớm nhất. Ba chiếc xe cứu thương thay nhau đưa các nạn nhân vào viện, chiếc này vừa đi thì xe khác vào thế chỗ. Một số kíp cấp cứu khác từ Bệnh viện TP Thuận An xa hơn sau đó tới hỗ trợ, đưa hơn 30 bệnh nhân vào viện, trong hơn hai giờ đầu tiên.

"Tôi không nhớ nổi đã đi bao nhiêu chuyến qua lại giữa bệnh viện với hiện trường. May mắn, trời tối muộn nên đường vắng xe và người dân nhường đường nên mọi chuyến đi đều an toàn, nhanh chóng", anh Bùi Thành Nhân 28 tuổi, lái xe cứu thương, chia sẻ.

Tại Bệnh viện An Phú, hơn 50 nhân viên y tế tập trung ở Khoa Hồi sức cấp cứu chuẩn bị máy móc, thuốc chờ tiếp nhận bệnh nhân. Trong đó, oxy - vũ khí sống còn với nạn nhân ngạt khí độc, ngạt thở, cùng dịch truyền, thuốc sát trùng được chuẩn bị với số lượng lớn, đồng thời kê thêm giường bệnh, dự trù máy thở... Mọi thủ tục hành chính thường quy được bệnh viện bỏ qua, ưu tiên cấp cứu.

Phần lớn nạn nhân bị ngạt khói và khí độc, khoảng 10 người có chấn thương. Gần như 100% người bị nạn đều trong tình trạng hoảng loạn, kích động mạnh. "Những người còn tỉnh táo đều khóc nhiều, người bất tỉnh thì da dẻ, áo quần ám đen có chỗ cháy sém. Thực sự ám ảnh", một tài xế cứu thương khác, tên Phạm Hoàng Anh 36 tuổi, nhớ lại.

Bác sĩ Lê Mạnh Hùng, trực khoa Hồi sức cấp cứu đêm đó, cho biết đã đón đợt bệnh nhân đầu tiên và xử trí ổn thỏa. Nhân viên y tế như con thoi len vào giữa các giường bệnh phân loại mức độ chấn thương, vừa cho nạn nhân thở oxy, đo sinh hiệu, xử trí vết thương, vừa trấn tĩnh họ. Do ngạt khí độc mức độ nhẹ, thoát ra sớm nên nhiều bệnh nhân hồi phục sinh hiệu tốt sau khi được hỗ trợ oxy. Hai người bị gãy chân được đưa đi chụp X-quang, phẫu thuật. Riêng cô gái chấn thương sọ não (nạn nhân nhảy lầu được tiếp cận đầu tiên) diễn tiến nguy kịch phải chuyển lên tuyến trên điều trị.

Sau khi cấp cứu các nạn nhân này, y bác sĩ chuẩn bị tinh thần và phương tiện cấp cứu nặng (máy sốc tim, ống nội khí quản, máy thở...) để đón lượt bệnh tiếp theo. "Chúng tôi dự trù những nạn nhân tiếp theo chắc chắn nghiêm trọng hơn do đám cháy đã xảy ra vài tiếng. Tuy nhiên, chúng tôi chờ đợi xuyên đêm không có thêm nạn nhân còn sống nào được đưa tới", bác sĩ Hùng nói.

-8688-1662694461.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=uoItP88g4hDOfwCHWCXyhA

Các nạn nhân được cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa An Phú, sáng 7/9. Ảnh: Đình Văn

Đến 4h sáng 7/9, các kíp cấp cứu Bệnh viện An Phú rút về đơn vị, chỉ lưu một xe túc trực cho đến đêm cùng ngày, khi công tác cứu hộ cơ bản hoàn tất.

Vụ cháy làm 32 người tử vong, 32 người khác bị thương, theo thống kê của Sở Y tế Bình Dương. Trong đó, hai ca nặng, tiên lượng dè dặt do chấn thương sọ não và gãy cột sống lưng đang điều trị tại Bệnh viện tỉnh Bình Dương; hai ca gãy chân đã phẫu thuật, hồi phục tốt điều trị tại Bệnh viện An Phú. Số còn lại bị thương nhẹ, ổn định sức khỏe, được xuất viện.

-7174-1662694461.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=7H1fKMdzNKG1P20TMeC2fg

Tài xế Nhân (phải) và đồng nghiệp Hoàng Anh bên hai chiếc xe cứu thương tham gia cấp cứu ngoại viện vụ cháy quán karaoke An Phú. Ảnh: Thư Anh

Có nhiều năm kinh nghiệm làm tài xế xe cứu thương, anh Nhân nói rằng lần cấp cứu ngoại viện này khiến anh ám ảnh vì số lượng người thương vong "vượt quá sức tưởng tượng". Còn bác sĩ Quỳnh Anh chỉ khóc xả căng thẳng khi đã ở nhà vào tối hôm sau. "Nếu không tính đại dịch Covid-19 thì đây là thảm họa lớn nhất tôi chứng kiến và trực tiếp cấp cứu cho hàng chục người, kể từ khi bắt đầu sự nghiệp bác sĩ", chị nói.

Quán karaoke An Phú ba tầng, 30 phòng, diện tích sử dụng 1.500 m2, cháy lúc 20h30. Thời điểm đó có khoảng 60 khách và nhân viên. Điều tra bước đầu xác định lửa bùng lên ở phòng tại tầng 3, khả năng do chập điện, sau đó lan rất nhanh. Từ khi thành lập năm 2015 đến nay, quán bị kiểm tra phòng cháy chữa cháy ba lần vào các năm 2019, 2021 và 2022, đều đạt quy định.

Hôm qua, Công an Bình Dương đã khởi tố vụ án.

Thư Anh

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022