- Vì sao nhiều người có cảm giác "bị say" khi ăn mì chính?
- Lưu ý khi tiêu thụ mì chính.
Loại gia vị có thể thay thế đường, giảm bớt muối nhưng bao năm bị người Việt "ghét bỏ"
Trong căn bếp của người Việt, bên cạnh các gia vị như nước mắm, muối, hạt tiêu, đường, thì mì chính là loại gia vị quen thuộc từ lâu.
Mì chính có vị ngọt nhẹ, được sử dụng để làm tăng hương vị umami - vị ngọt tự nhiên của thực phẩm, thay thế được cho đường. Thành phần chính của mì chính là glutamate, một loại axit amin có tự nhiên trong nhiều thực phẩm như thịt, cá, trứng, sữa, rau củ quả.
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, glutamate là chất tự nhiên giúp cấu tạo protein trong cơ thể sống và có khả năng kích thích vị giác, giúp món ăn thêm phần ngon miệng.
Mì chính có vị ngọt nhẹ, được sử dụng để làm tăng hương vị umami - vị ngọt tự nhiên của thực phẩm, thay thế được cho đường.
PGS.TS Nguyễn Thị Lâm cho biết, đã có các nghiên cứu cho thấy khi kết hợp sử dụng mì chính trong món ăn giảm muối, thì chúng ta vừa bớt được lượng muối tiêu thụ mà vẫn thấy ngon miệng.
Vị chuyên gia cũng cho biết tại Việt Nam, Hướng dẫn điều trị dinh dưỡng lâm sàng của Bộ Y tế năm 2015 đã hướng dẫn: Có thể sử dụng bột ngọt, mì chính để tăng vị ngon của những thực phẩm ít muối và hỗ trợ bệnh nhân duy trì chế độ ăn điều trị. Chính vì vậy mà các gia đình có thể yên tâm sử dụng, không nên quá bài xích mì chính.
Vì sao nhiều người có cảm giác "bị say" khi ăn mì chính?
Tuy nhiên mì chính từ lâu đã bị "mang tiếng" là loại gia vị có thể khiến người ăn cảm thấy khó chịu, thường được gọi là "say mì chính". PGS.TS.BS Nguyễn Thị Lâm chia sẻ, hiện tượng say mì chính có thể là do cơ địa mẫn cảm của từng người.
Theo Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), nhiều người cho biết họ cảm thấy đau đầu, buồn nôn, hoặc mệt mỏi sau khi ăn thực phẩm có chứa mì chính, điều này thường được gọi là "hội chứng nhà hàng Trung Hoa".
Theo nghiên cứu của Đại học Yeonsung và Kyung Hee ở Hàn Quốc (2014), một số người cảm thấy khát nước, buồn ngủ, đau đầu, bủn rủn chân tay sau khi tiêu thụ mì chính.
Các chuyên gia cho hay, các triệu chứng này có thể do yếu tố tâm lý, đặc biệt khi người tiêu dùng đã có sẵn định kiến về mì chính. Trong trường hợp này, mọi người có thể giảm bớt lượng mì chính thường dùng hoặc có thể từ chối sử dụng.
Những lưu ý cần biết để tiêu thụ mì chính an toàn
1. Trẻ dưới 1 tuổi không nên dùng bất kỳ loại gia vị nào: Để bé phát triển vị giác tự nhiên, cha mẹ không nên cho trẻ em dưới 1 tuổi dùng mì chính hay các loại gia vị khác.
2. Không nên nêm mì chính vào thức ăn khi đang sôi: Khi nhiệt độ vượt quá 100°C, glutamate có thể bị biến đổi, khiến món ăn không còn ngon và có khả năng làm mất tác dụng mong muốn.
3. Lượng sử dụng hợp lý: Mặc dù tiêu thụ một lượng lớn mì chính (trên 3g mỗi lần ăn mà không kèm theo thực phẩm) có thể gây ra một số triệu chứng như đau đầu, tê, ngứa ran nhưng trong thực tế, một bữa ăn thông thường chỉ dùng khoảng 0,5g mì chính nên rất khó để gây ra tác động tiêu cực.
4. Người bị tiểu đường cần cẩn trọng: Theo các chuyên gia, tiêu thụ mì chính quá nhiều có thể làm tăng nguy cơ kháng insulin, khiến việc kiểm soát đường huyết trở nên khó khăn hơn.
5. Một số người có thể nhạy cảm với các thành phần tự nhiên, bao gồm cả glutamate, tương tự như phản ứng khi tiêu thụ các loại thực phẩm khác. Tuy nhiên, các triệu chứng này thường không phổ biến và không đủ cơ sở để kết luận rằng mì chính gây hại nghiêm trọng.
Tóm lại, mì chính thực chất không phải là "thủ phạm" gây hại như nhiều người nghĩ. Việc sử dụng đúng liều lượng và đúng cách sẽ mang lại lợi ích trong chế biến món ăn mà không ảnh hưởng đến sức khỏe.