Ngày 15/11, lãnh đạo Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, một trẻ sơ sinh bị vàng da tan máu nặng hiếm gặp điều trị thành công và được cho xuất viện.

Trước đó, ngày 7/11 Khoa Hồi sức tích cực sơ sinh - Nhi sơ sinh (Trung tâm Nhi khoa Bệnh viện Trung ương Huế) tiếp nhận một bệnh nhi mới sinh cùng ngày từ tỉnh Quảng Bình vào điều trị. Theo hồ sơ bệnh án, chỉ thời gian ngắn sau chào đời, trẻ xuất hiện dấu hiệu vàng da sớm đến tận lòng bàn chân, kèm thiếu máu nặng và mức bilirubin tăng vọt đến mức đáng báo động.

Các bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế khẩn trương thăm khám và thực hiện các xét nghiệm chuyên sâu và kết luận bệnh nhi sơ sinh mắc tình trạng tan máu nghiêm trọng do bất đồng nhóm máu Rhesus giữa mẹ và con.

thay-mau-1-17390452-1731728314872-1731728315077992303488.jpg

Các bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế thực hiện thay máu liên tục trong 2 giờ kết hợp với chiếu đèn để cứu sống bệnh nhi sơ sinh bị vàng da tan máu nặng hiếm gặp. (Ảnh: BVCC)

Cụ thể, mẹ của trẻ có nhóm máu B Rh(-) và kháng thể anti-D (+) còn trẻ có nhóm máu B Rh (+). Kiểm tra test Coombs cho kết quả dương tính ở mức cao. Nếu không được điều trị ngay, bệnh có thể gây thiếu máu nặng, suy tim, tổn thương não không thể hồi phục.

Mặc dù các bác sĩ thực hiện chiếu đèn tích cực liên tục, truyền hồng cầu rửa nhóm O, truyền Immunoglobulin và plasma tươi nhưng tình trạng của trẻ vẫn diễn tiến phức tạp.

Do đó, Ban Giám đốc Trung tâm Nhi khoa Bệnh viện Trung ương Huế phải hội chẩn khẩn cấp và quyết định thay máu liên tiếp 2 giờ đồng hồ cho trẻ vào thời điểm trẻ được 50 giờ tuổi qua đường động mạch - tĩnh mạch rốn.

Sau khi thay máu, bệnh nhi bắt đầu có những chuyển biến tích cực và tiếp tục được chiếu đèn cùng truyền Immunoglobulin. Sau đó, mức bilirubin đáng lo ngại giảm xuống dưới ngưỡng cần chiếu đèn. Trẻ hồi phục từng ngày và hiện tỉnh táo linh hoạt, có thể xuất viện.

Bác sĩ CKII. Nguyễn Thị Thảo Trinh - Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực sơ sinh - Nhi sơ sinh (Trung tâm Nhi khoa Bệnh viện Trung ương Huế) cho biết, bất đồng yếu tố Rhesus là cực kỳ hiểm. Tình trạng này có thể gây nên thiếu máu nặng, vàng da nặng từ đó có nguy cơ gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng.

Tình trạng này xảy ra khi người mẹ có yếu tố Rh(-), trong khi bố và đứa trẻ mang yếu tố Rh(+). Trong quá trình mang thai, một số hồng cầu Rh(+) của thai nhi có thể lọt vào máu người mẹ Rh(-), kích thích cơ thể mẹ sinh ra kháng thể chống lại Rh(+). Các kháng thể này có thể xuyên qua nhau thai vào cơ thể thai nhi, phá hủy hồng cầu và dẫn đến tình trạng tan máu nặng.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022