7 năm bán quần áo online tại Mỹ Đình, Hà Nội, đây là buổi livestream (phát sóng trực tiếp) lâu nhất, diễn ra trong kỳ nghỉ cuối tháng 4, kéo dài 15 tiếng. Trong khoảng thời gian này, người phụ nữ chỉ ăn qua loa một bữa, hầu như không nghỉ.

Trong suốt buổi phát sóng, Tiên liên tục ngồi trên ghế gỗ, không đứng dậy. Mải trả lời bình luận, cô không nhận ra lưng bắt đầu đau âm ỉ, cổ cứng, vai mỏi rã rời. Ba tuần sau, các cơn đau vùng cổ, vai, gáy, thắt lưng ngày càng dữ dội, nhất là khi ngồi lâu hoặc về chiều. Tới khi không thể ngồi quá 30 phút, cô mới đến bệnh viện. Bác sĩ Ngô Quang Hải, nguyên Phó giám đốc Trung tâm đào tạo và chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Châm cứu Trung ương chẩn đoán Tiên bị thoát vị đĩa đệm thắt lưng, do ngồi sai tư thế và thiếu vận động trong thời gian dài.

"Cột sống chịu áp lực kéo dài dễ bị tổn thương nếu không được hỗ trợ đúng cách. Nếu không thay đổi lối sống, bệnh nhân sẽ phải đối mặt với đau lưng mãn tính", bác sĩ nói.

Huyền, 27 tuổi, cũng bán hàng qua livestream, bắt đầu buổi phát trực tuyến từ 9h sáng, dự định chỉ 6 tiếng. Song lượt xem tăng cao khiến cô kéo dài buổi live đến 11 tiếng, chỉ ăn bánh mì, uống cà phê cho tỉnh táo. Kết thúc lúc 1h sáng, Huyền xuất hiện các triệu chứng đau đầu, hoa mắt, cổ họng khô nóng, cổ vai cứng đơ. Sáng hôm sau, cô phải nhập viện vì tụt huyết áp, viêm dạ dày do bỏ bữa. Sau điều trị Tây y, cô chuyển sang châm cứu, được chẩn đoán viêm thanh quản nhẹ.

11dsc03088-1-jpg-1608050403-jp-2827-9284-1747367254.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=f_OSnCK7ixk811CTdOxJcg

Bên trong một studio livestream bán hàng. Ảnh minh họa: Anh Lê

Livestream bán hàng là một trong những nghề phổ biến và phát triển nhanh nhất hiện nay. Người bán có thể nói chuyện trực tiếp với khách hàng, giới thiệu sản phẩm chi tiết, tạo cảm giác tin cậy hơn qua mua hình ảnh tĩnh. Các nền tảng xã hội như Facebook, Tiktok, Shopee... đều hỗ trợ livestream, giúp người bán dễ dàng tiếp cận hàng triệu người. Thực tế, nhiều người thu về hàng trăm triệu đến cả tỷ đồng sau mỗi phiên live. Tuy nhiên, các vấn đề sức khỏe của nhóm người này vẫn chưa được nghiên cứu đầy đủ. Hiện Việt Nam cũng chưa có thống kê chính thức về tỷ lệ ca bệnh trong ngành nghề này.

Trong khi đó, Báo cáo Phát triển nghề nghiệp mới của streamer do Hiệp hội Trực tuyến Trung Quốc phối hợp với các nền tảng video ngắn công bố đầu năm 2025 cho thấy, hơn 60% streamer chuyên nghiệp phát trực tiếp trên 4 ngày/tuần, trong đó 57,4% streamer phát sóng hàng ngày có thời lượng trên 6 giờ/ngày, vượt quá tiêu chuẩn sức khỏe cho phép.

Mặt khác, để thu hút sự chú ý và tăng lượt xem, một số streamer thực hiện các hoạt động phát sóng gây hại sức khỏe hoặc nguy hiểm như ăn uống vô độ, thể thao mạo hiểm... Do cạnh tranh thị trường ngày càng gay gắt, một số streamer chịu áp lực doanh số, buộc phải làm việc cường độ cao, dẫn đến kiệt sức, thiếu ngủ, các bệnh mãn tính.

"Những vấn đề này không chỉ ảnh hưởng đến sự nghiệp mà còn gây rắc rối lớn cho đời sống cá nhân của họ", báo cáo cho hay.

Tương tự, tờ Cardiffjournalism nói đằng sau một phiên live là sự kiệt sức về thể chất và tinh thần cực độ. Trang này trích dẫn một tai nạn vào năm ngoái, một phụ nữ đột nhiên ngất xỉu trong khi đang phát trực tiếp, nhân viên la hét, thu hút sự chú ý của đông đảo cư dân mạng. Trước đó cô vẫn đang giới thiệu sản phẩm.

"Cơ thể cô bắt đầu lắc lư không kiểm soát được, cánh tay vô thức chống đỡ máy tính để bàn. Cô nhanh chóng mất thăng bằng và ngã xuống, chiếc ghế phía sau bị kéo đổ", tác giả mô tả. Bệnh nhân được đưa đến bệnh viện để kiểm tra sức khỏe. Sau khi tỉnh lại, cô nói cảm thấy không khỏe vì đang đến kỳ kinh nguyệt, cộng thêm yếu tố thời tiết khiến sức khỏe mệt mỏi hơn.

Cũng gánh những hệ lụy sức khỏe, anh Lê Thành Vân (38 tuổi, TP HCM) - ông chủ hãng thời trang GUMAC - chia sẻ sớm nhận ra livestream là kênh "ngon, bổ, rẻ". Quyết định đẩy mạnh kênh bán hàng này, anh livestream mỗi ngày 8 đến 10 tiếng, liên tục ba năm, có ngày kiệt sức, ho ra máu.

4a6db162c61c73422a0d-174736508-4006-9770-1747367254.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=zMTIO0JSYFx8L7GFYO9tnA

Bệnh nhân livestream kéo dài bị đau mỏi vai gáy được bác sĩ châm cứu. Ảnh: Bác sĩ cung cấp

Bác sĩ Đoàn Dư Mạnh, Phó giám đốc Trung tâm Tim mạch và Đột quỵ, Bệnh viện Đa khoa Phương Đông, Hội bệnh mạch máu Việt Nam lưu ý, ngoài tổn thương thanh quản và cột sống, mắt cũng bị ảnh hưởng do tiếp xúc ánh đèn lâu, dễ khô, nhức mỏi. Trang điểm liên tục khiến da lão hóa nhanh, dễ kích ứng. Livestream trong phòng kín, thiếu không khí, làm gia tăng CO2 và vi khuẩn, ảnh hưởng đến hô hấp, đồng thời làm nhiệt độ tăng, dễ gây khó chịu, ngột ngạt. Làm việc kéo dài liên tục nhiều ngày trong phòng kín có nguy cơ thiếu vitamin D, loãng xương, tụt canxi.

Lịch trình công việc thất thường, nhiều người bỏ bữa, ăn uống vội vàng hoặc dùng thức ăn nhanh, nhiều dầu mỡ, gây đầy bụng, tiêu hóa kém, thiếu năng lượng. Hơn thế, công việc gần như chỉ xoay quanh máy quay, màn hình và ghế ngồi khiến thân thể không được vận động đúng mức, dễ sinh suy nhược toàn thân, nhức mỏi kéo dài, giảm sức đề kháng, hay cảm lạnh, chóng mặt.

Để bảo vệ sức khỏe, các chuyên gia khuyến cáo người livestream cần chọn không gian làm việc thoáng khí, hạn chế ánh sáng quá chói. Bàn ghế cần đặt hợp lý để giảm áp lực lên cột sống. Có thể đeo kính lọc ánh sáng xanh nếu làm việc về đêm. Không nên livestream quá lâu hoặc quá khuya, mỗi buổi chỉ nên kéo dài 2 đến 3 tiếng, có thời gian nghỉ giữa giờ khoảng 10 đến 15 phút. Ăn uống đủ chất, uống đủ nước và nên duy trì vận động mỗi ngày giúp giảm stress, tăng sức đề kháng.

Thúy Quỳnh

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022