Sáng 15/10, đại diện Trung tâm 115 cho biết 15 xe cấp cứu được huy động, việc di chuyển và vận chuyển bệnh nhân rất khó khăn do mưa to, đường ngập lớn, nhiều xe bị chết máy dọc đường.

Chỉ trong vài giờ, kíp trực tiếp nhận hơn 100 cuộc điện thoại từ khắp các quận, huyện trên địa bàn, gấp nhiều lần so với một đêm bình thường. Để không bỏ sót và chậm trễ cứu hộ, 115 sàng lọc và phân tầng bệnh nhân để tìm bệnh viện trong phạm vi gần hiện trường nhất. Trường hợp nặng như khó thở, nhồi máu cơ tim, sốt cao, tăng huyết áp... được ưu tiên vận chuyển trước, bệnh nhân còn lại đơn vị hỗ trợ tư vấn từ xa để chờ tiếp cận sau.

Tại văn phòng trung tâm, không khí khẩn trương vô cùng, điện thoại liên tục reo, nhân viên trực hoạt động không nghỉ. Còn trên xe cứu thương, kíp cấp cứu đều mặc áo mưa, mở ứng dụng hỗ trợ 115 để dò tìm đường đến hiện trường tiếp cận bệnh nhân nhanh nhất có thể. Trên xe, loa liên lạc giữa ê kíp hiện trường với tổng đài 115 được mở to để tương tác hướng dẫn liên tục.

-2173-1665807109.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=TFfqw8x4LUGVuNvsgA8JRA

Nhân viên cấp cứu mặc áo mưa, cố gắng tìm con đường ngắn nhất, ít ngập nhất để đưa bệnh nhân đến bệnh viện sớm nhất có thể. Ảnh: Bác sĩ cung cấp

Càng về đêm, nước càng dâng cao, nhiều nơi ngập sâu hơn một mét khiến toàn bộ xe đều bị ngập quá bánh. Hai xe cứu thương bị chết máy dọc đường, bác sĩ phải đưa bệnh nhân vào tạm nhà dân lánh và tiếp tục cấp cứu trong khi chờ đội cứu hộ đến.

Các lực lượng cứu hộ phải dùng ca nô, thuyền thúng tiếp cận khu dân cư thấp trũng. Nhiều khu vực nhà dân không thể mở cửa để gọi cứu hộ. Trên các trục đường chính, nhiều xe ôtô bị bỏ lại. Dọc đường xuất hiện nhiều vật cản do đồ đạc bị cuốn trôi, cùng với nhiều phương tiện bị chết máy, xe cứu thương nào còn chạy được thì di chuyển rất chật vật.

Trước đó, trung tâm chuẩn bị sẵn sàng phương tiện và nhân lực trực, chia thành 15 kíp, một kíp từ ba đến bốn người. "Thế nhưng nước dâng nhanh quá mọi người trở tay không kịp. Hơn 25 năm qua, chưa từng chứng kiến trận ngập nào nặng nề như vậy", đại diện Trung tâm 115 chia sẻ.

-8554-1665807109.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=FNDvHQGXj84US4tVums3Jw

Xe cứu thương bị ngập, chết máy đêm 14/10 tại Đà Nẵng. Ảnh: Bác sĩ cung cấp

Nhiều bệnh viện bị ngập, tuy nhiên thống kê sơ bộ thiệt hại không quá nặng nề. Bệnh viện Đà Nẵng bị ngập một số máy móc ở tầng thấp, đến sáng nay đã được khắc phục. Bệnh viện có 6 máy bơm lớn để hút nước và trước đó đã chuẩn bị phương tiện phòng cháy chữa cháy để kịp thời ứng phó. Đại diện Bệnh viện Phụ sản cũng cho biết không thiệt hại quá nặng.

Các trung tâm y tế thì bị ngập sâu, nước tràn vào sân, người bệnh được khuyến cáo không nên ra ngoài. Đại diện trung tâm Y tế Hải Châu cho biết hầu hết bệnh nhân cấp cứu được xử trí sớm, song thời gian vận chuyển dài hơn bình thường do ngập lụt. "Quãng đường từ nhà dân đến trung tâm y tế chưa đến 10 km, nhưng xe chạy hơn một tiếng đồng hồ vẫn chưa đến nơi, rất sốt ruột", người này cho hay.

Sáng nay, nước rút, nhân viên trung tâm cấp cứu và bệnh viện đang tập trung khắc phục sự cố, kéo xe chết máy trở về và đưa xe ngập nước đi bảo dưỡng để đảm bảo công tác cấp cứu tiếp theo.

Đà Nẵng ghi nhận bốn người chết trong đêm ngập nước.

nguoi-dan-bi-ket-giua-duong-ngap-sau-o-da-nang-1665761852.jpg?w=750&h=450&q=100&dpr=1&fit=crop&s=i5MxLtJfoSnPs96XlWLlHA
Người dân bị kẹt giữa đường ngập sâu ở Đà Nẵng

Người dân bị kẹt sâu ở đường phố. Video: Nhóm phóng viên

Do ảnh hưởng của hoàn lưu trước bão Sơn Ca - cơn bão thứ năm vào Biển Đông trong năm nay với sức gió tối đa 74 km/h (cấp 8), Đà Nẵng mưa từng chập từ sáng 14/10. Đến 21h đêm, mưa bắt đầu xối xả, nước tràn vào nhà dân gây ngập từ một đến 1,5 m. Các tuyến đường bị ngập, giao thông rối loạn.

Kể từ khi bão Noru đổ bộ vào Đà Nẵng - Quảng Nam sớm 28/9, miền Trung trải qua ba đợt mưa. Từ ngày 9 đến 12/10, mưa to do ảnh hưởng của gió mùa đông bắc, đêm qua là mưa do áp thấp nhiệt đới. Dự báo hôm nay, áp thấp nhiệt đới vào Đà Nẵng - Quảng Nam và tiếp tục gây mưa to.

Minh An

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022