Ngày 25/10, đại diện Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Phúc cho biết đang trong đợt điều trị tại bệnh viện, bệnh nhân gặp tình trạng rối loạn nhịp nhanh không đều - một loại rối loạn nhịp nguy hiểm, có nguy cơ diễn biến nặng đột xuất. Các bác sĩ điều trị kiểm soát nhịp bằng thuốc.
Khi vào nhà vệ sinh, người phụ nữ bất ngờ hôn mê, ngừng tim, ngừng thở. May mắn được phát hiện kịp thời, bệnh nhân được cấp cứu ngừng tuần hoàn. 10 phút sau, người bệnh có nhịp tim trở lại.
Tuy nhiên ngay sau đó, bệnh nhân tiếp tục ngừng tuần hoàn lần hai, hôn mê, gọi - hỏi không đáp ứng, thở nhanh, huyết áp tụt sâu. Nhận định tình trạng rất nguy kịch, êkíp quyết định sử dụng kỹ thuật hạ thân nhiệt chỉ huy sớm. Hạ thân nhiệt còn gọi là ngủ đông, là phương pháp sử dụng các kỹ thuật làm lạnh để kiểm soát thân nhiệt bệnh nhân ở mức 33-36 độ C trong vòng 24-72 giờ sau ngưng hô hấp. Mức nhiệt độ sinh lý bình thường là 37 độ C.
Sau 3 ngày, bệnh nhân hồi tỉnh, không có di chứng thần kinh, được rút ống thở, kết thúc hạ thân nhiệt.
Ảnh minh họa: Aats
Phương pháp hạ thân nhiệt được áp dụng lần đầu tiên ở Việt Nam năm 2015 tại Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội. Các nghiên cứu trên thế giới đã chứng minh, hạ thân nhiệt giúp giảm tỷ lệ tử vong khoảng 14%, giảm tỷ lệ di chứng nặng 11%.
Đây là phương pháp bổ trợ cho các phương pháp cấp cứu, cải thiện tỷ lệ tử vong và biến chứng trên bệnh nhân ngưng hô hấp và một số bệnh lý khác, mang lại cơ hội sống khỏe mạnh cho nhiều người bị tổn thương não sau ngưng tim, ngưng thở (ngừng tuần hoàn).
Thông thường, bệnh nhân ngừng tuần hoàn được cứu sống sẽ để lại các di chứng tổn thương não nặng nề như mất trí nhớ, co giật, liệt nửa người, nặng hơn có thể liệt toàn thân, hôn mê sống đời sống thực vật. Khi áp dụng kỹ thuật hạ thân nhiệt, thân nhiệt bệnh nhân giảm xuống, cơ thể rơi vào trạng thái ngủ đông, nhu cầu chuyển hóa và tiêu thụ oxy giảm tối đa, ngăn cản xuất huyết nội tạng, phù não, nhồi máu cũng như ức chế các chất dẫn truyền gây độc tế bào thần kinh.
Phương pháp hạ thân nhiệt áp dụng cho bệnh nhân cấp cứu trước 6 tiếng khởi phát triệu chứng thì đạt hiệu quả cao nhất.
Bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh, Khoa Hồi sức tích cực chống độc, khuyến cáo với người bệnh ngừng tim, việc cấp cứu ban đầu tại chỗ rất quan trọng (đặc biệt là trong 5 phút đầu tiên), sau khi tái lập được tuần hoàn, cần nhanh chóng đưa người bệnh đến ngay các cơ sở y tế đủ điều kiện để tiếp tục điều trị.
Thúy Quỳnh