Sáng 12/8, tại tọa đàm Giải pháp khắc phục thiếu thuốc, do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức, PGS, TS Bùi Thị An - nguyên đại biểu Quốc hội khóa XIII, cho rằng tình trạng thiếu thuốc là vấn đề không chỉ của ngành y mà cả Chính phủ, cần xem như trận đánh để nhanh chóng vào cuộc giải quyết ngay.

"Tôi đề nghị Chính phủ nhanh chóng rà soát cơ chế chính sách liên quan đấu thầu mua sắm thuốc, nếu có vướng mắc thì sửa ngay, kể cả phải làm thêm giờ để sửa", bà An nói, đề nghị "các bệnh viện cũng dũng cảm vào cuộc để gỡ" nếu còn có tâm lý lo ngại các vấn đề pháp lý.

Bà An nhìn nhận tình trạng thiếu thuốc ảnh hưởng lớn đến người bệnh, đặc biệt là người bệnh nghèo - nhóm yếu thế trong xã hội. Nếu không kịp thời có giải pháp khắc phục tình trạng này sẽ ảnh hưởng lớn đến chính trị dân sinh.

"Chất lượng cuộc sống, chăm lo sức khỏe cho người dân là một trong ba trụ cột phát triển bền vững của đất nước, do đó, vấn đề thiếu thuốc cần tất cả bộ ngành vào cuộc, chứ không chỉ riêng ngành y", bà An nói.

Nói về nguyên nhân thiếu thuốc, tiến sĩ Nguyễn Huy Quang, nguyên Vụ trưởng Pháp chế (Bộ Y tế) đúc kết, thứ nhất là đang xảy ra tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng thuốc toàn cầu ảnh hưởng đến nguồn cung. Thứ hai, khi dịch ổn định, người dân khám chữa bệnh tăng đột biến, cũng tác động đến nguồn cung thuốc. Thứ ba, hơn hai năm đại dịch, ngành y tế tập trung tổng lực chống dịch, nên việc cung ứng các thuốc chữa bệnh bị hạn chế.

"Về khách quan, chủ yếu do cơ chế chưa rõ ràng, minh bạch khiến các đơn vị e dè", ông Quang nói. Một phần là các vụ án, bắt bớ diễn ra trong thời gian qua khiến nhiều người e ngại. Trong khi đó, năng lực tham gia công tác đấu thấu từ cơ sở đến trung ương hạn chế, thiếu những cán bộ am hiểu về lĩnh vực thuốc, đấu thầu; nhiều doanh nghiệp không tham gia thầu do giá thầu thấp, không đảm bảo doanh thu cho họ.

Ý kiến của ông Quang được Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Đào Xuân Cơ đồng tình, bởi bản thân bệnh viện đang gặp khó khăn do tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng. Bạch Mai đang thiếu thuốc kháng sinh thiết yếu, thuốc tiêm tĩnh mạch, cấp cứu thần kinh... do không có nhà cung cấp.

"Chúng tôi dự đoán dịch được kiểm soát thì bệnh nhân sẽ tăng lên, do đó đã đấu thầu nhưng bệnh viện thiếu một số thuốc vì không có nhà cung ứng. Thậm chí một số kháng sinh Việt Nam sản xuất nhưng do giá nguyên liệu nhập vào đắt nên cũng không có hàng", Phó giáo sư, tiến sĩ Cơ nói.

Ông nhìn nhận thiếu thuốc "là vấn đề rất nóng, không riêng Bạch Mai". Sáu tháng đầu năm, số lượng bệnh nhân tại viện tăng đột biến, ví dụ như tháng 3 số lượng bệnh nhân tăng gấp 5 lần so với tháng 1. Bệnh nhân nội trú đang ở công suất 150%, nhiều khoa lên tới 200%. "Bệnh viện đã có dự trù nhưng số lượng bệnh nhân tăng vọt khiến tình trạng thiếu thuốc thêm nặng nề", ông nói.

Thậm chí, rất nhiều vật tư tiêu hao, sinh phẩm đã trúng thầu rồi nhưng các đơn vị phân phối không cung cấp được do bị phá sản, hoặc giá các mặt hàng này tăng hơn nhiều so với lúc chào thầu cách đây 12 tháng. Nhiều nhà cung cấp vì vậy từ chối tham gia chào thầu do sợ bị lỗ, từ chối cả cung ứng thuốc đã trúng thầu.

"Ngoài ra, hiện doanh nghiệp tự công khai giá trên cổng thông tin Bộ Y tế và tự chịu trách nhiệm pháp lý, tuy nhiên chính chúng tôi là giám đốc các bệnh viện cũng không biết giá đó là thật hay thổi giá", ông Cơ bức xúc và đề nghị cần phải có một cơ chế liên ngành chịu trách nhiệm giá công bố trên cổng thông tin.

bs-Dao-Xuan-Co-8009-1660281919.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=hCeuGqwSQdoLLQFeE2rhJg

PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, phát biểu tại tọa đàm "Giải pháp khắc phục thiếu thuốc", sáng 12/8. Ảnh: VGP

Giải quyết thiếu thuốc - bài toán cấp bách

Bà Nguyễn Thị Ngọc Bảo, Phó Giám đốc Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia, cho biết tuần vừa rồi Bộ Y tế thành lập 4 đoàn kiểm tra tình trạng thiếu thuốc, ghi nhận một số khó khăn liên quan đến cơ chế mua sắm.

Ví dụ, trước đây, Bạch Mai thiếu thuốc ở phạm vi bệnh viện và trực tiếp làm việc với các nguồn, đối tác của viện xử lý được ngay. Hiện có các cấp đấu thầu khác nhau, từ quốc gia, địa phương và bệnh viện. Nếu Bạch Mai thiếu loại thuốc trong danh mục của quốc gia thì phải chờ kết quả đấu thầu của quốc gia. Tuy nhiên khi lập kế hoạch đấu thầu, yêu cầu bệnh viện phải sử dụng ít nhất 80%, nhưng thực tế có thuốc chỉ dùng được 20%. "Như vậy, thực tế tình trạng thiếu không phải xảy ra ở tất cả loại thuốc, tất cả đơn vị", bà Bảo nói.

Ông Cơ cũng đề cập đến cơ chế tự chủ của bệnh viện và đề xuất nên dừng thí điểm tự chủ toàn diện, chỉ nên thực hiện tự chủ nhóm theo nghị định 60. Bạch Mai là một trong 4 bệnh viện được giao thí điểm tự chủ toàn diện cùng với Việt Đức, K và Trung ương Huế. Tuy nhiên đến nay chỉ có hai bệnh viện thực hiện toàn diện là Bạch Mai và K.

Theo ông Cơ, Bạch Mai đã hoàn thành hai năm thí điểm tự chủ toàn diện, song diễn ra trong khoảng thời gian rất khó khăn bởi dịch Covid hoành hành. Trong thí điểm, điều quan trọng nhất là tự chủ tài chính. Tuy nhiên, thời gian qua bệnh viện tự chủ trong điều kiện toàn bộ các bộ nhân viên tham gia chống dịch, bệnh nhân đến viện chỉ còn 1/5 so với thường quy. Sau khi dịch kiểm soát, bệnh viện đã có báo cáo tổng kết gửi Chính phủ và Bộ Y tế, đến nay chưa có hướng dẫn tiếp theo. Trong lúc Bộ Y tế chờ Chính phủ chỉ đạo thì Bộ đã gửi văn bản yêu cầu bệnh viện tiếp tục thực hiện tự chủ.

Chưa kể, giá viện phí hiện nay không được tính đúng tính đủ, theo ông Cơ. Giá này xây dựng cách đây 15 năm, hiện trượt giá, thu không bù được chi. "Tôi lấy ví dụ, một ca siêu âm ổ bụng giá là 43.900 đồng, máy siêu âm mua từ nguồn thu của bệnh viện, tính từ lúc mua máy đến khi máy hết khấu hao, thì tổng số tiền thu không đủ mua cái máy. Như vậy, nguồn tài chính rất khó khăn, tự chủ làm sao được, không đảm bảo lấy thu bù chi", ông Cơ giải thích.

Ông nói rằng sau tự chủ cũng không còn liên doanh liên kết, không còn xã hội hóa, không còn máy nào của doanh nghiệp đặt tại bệnh viện, nên càng khó khăn. Cán bộ y tế chất lượng cao dễ chuyển dịch sang y tế tư nhân để được trả mức thù lao cao hơn. Giải pháp căn cơ nhất là cần tính đúng đủ giá viện phí, để bệnh viện có nguồn thu, đảm bảo công tác khám chữa bệnh cho tất cả các giai tầng.

Để giải quyết những vấn đề đặt ra ở trên, ông Quang đề nghị kết hợp các giải pháp trước mắt và các giải pháp căn cơ, lâu dài. Đầu tiên, các Bộ gấp rút hoàn chỉnh hồ sơ dự thảo Nghị quyết về bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế và thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, trình Chính phủ trước ngày 15/8. Sự vào cuộc quyết liệt của các bộ Y tế, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tư pháp và Bảo hiểm xã hội Việt Nam là giải pháp trước mắt tháo gỡ thực trạng. Ngoài ra, Bộ Y tế cũng cần xem xét lại các thông tư, đăng ký thuốc, đấu thầu thuốc, xem xét lại nghị định 98.

Các chuyên gia tham gia tọa đàm đều nhận định tình trạng thiếu thuốc "chắc chắn gỡ được" nếu gỡ được những vướng mắc liên quan văn bản pháp luật và cơ chế "con người". Bên cạnh rà soát quy định và sửa ngay vấn đề chưa thích hợp, các chuyên gia đề nghị các lãnh đạo thay vì gọi bệnh viện đến báo cáo thì trực tiếp xuống bệnh viện, đi cơ sở xem khó ở đâu thì gỡ luôn. Còn đối với cơ chế con người, "ai chưa biết làm văn bản, luật pháp thì thay người". Phân cấp triệt để, như Bộ Tài chính, Bộ Ngoại giao vào cuộc, sẽ giúp tìm ra giá thuốc phù hợp nhất.

Thời gian qua, tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế trở nên nghiêm trọng trên toàn quốc. Tại Hà Nội, người bệnh phản ánh bệnh viện thiếu các vật dụng cơ bản như kim luồn và các thuốc điều trị ít gặp. Một số cơ sở khác thiếu sinh phẩm xét nghiệm, thuốc bảo hiểm thông thường, khiến người mua BHYT phải mua ở nhà thuốc bên ngoài.

TP HCM thiếu thuốc cục bộ tại một vài đơn vị như Bệnh viện Thủ Đức, Bệnh viện Chợ Rẫy... Báo cáo của các tỉnh thành khác gửi về Bộ Y tế cho thấy nhiều thuốc kháng sinh điều trị bệnh nhân nặng, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc tim mạch, tăng huyết áp... khan hiếm, ảnh hưởng đến việc khám chữa bệnh. Bộ Y tế cho rằng nguyên nhân thiếu thuốc một phần do tình trạng hết hạn số đăng ký lưu hành của một số loại thuốc, nhân lực quản lý nhà nước quá ít, khó khăn trong xử lý hồ sơ. Ngoài ra, việc chậm có kết quả đấu thầu tập trung quốc gia, đàm phán giá thuốc; một số địa phương giao các cơ sở chủ động tự đấu thầu, thay vì đấu thầu tập trung, nên các đơn vị lúng túng, e ngại...

Trong khi đó, tại phiên thảo luận của Quốc hội về Luật khám, chữa bệnh hôm 13/6, đại biểu Nguyễn Công Long (Thường trực Ủy ban Tư pháp) cho rằng nguyên nhân chính của tình trạng thiếu thuốc là do luật pháp y tế không rõ ràng.

Để tiếp tục giải quyết tình trạng thiếu thuốc, Hội đồng Đàm phán giá, Bộ Y tế đang đàm phán giá đối với 62 thuốc biệt dược gốc có số lượng, nhu cầu sử dụng lớn, giá trị trên 100 tỷ đồng, nhằm đáp ứng nhu cầu điều trị của các cơ sở y tế. Trong tháng 7, Hội đồng Đàm phán giá thuốc đã đàm phán thành công 19/62 thuốc biệt dược gốc, với giá trị giảm giá là 1.223 tỷ đồng, tỷ lệ giảm giá trung bình đạt 22,8%. Trong tháng 8 này, Hội đồng tiếp tục đàm phán đối với các thuốc biệt dược gốc còn lại để sớm có thuốc đặc trị cho người bệnh.

Lê Nga

Tin mới

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022