Anh Sơn làm việc tại công ty bảo hiểm, cuối năm liên tục đi tiếp khách, ăn tất niên, tổng kết cuối năm. Nghĩ đến uống rượu, anh thấy "ớn lạnh" nhưng không tìm được lý do từ chối. Anh kể, khi ngồi vào mâm, mọi người thường "ép" uống bằng những câu khó cưỡng, như "anh không uống là không tôn trọng, không nể", "phải quý lắm mới mời", "uống chén rượu vì thể diện, bản lĩnh". Bị mời rượu theo kiểu ép buộc khiến anh nhiều lần quá chén, không làm chủ được hành vi, "tỉnh dậy không hiểu vì sao về được đến nhà".
Anh mua nhiều thực phẩm để giải rượu, ăn nhẹ trước khi đi tiệc, song không đáng gì so với lượng rượu uống. Lâu dần, "thói ép rượu cũng ngấm vào tư tưởng, tôi cũng ép lại mọi người dù biết gây hại sức khỏe", anh kể.
Trước đó, anh khám tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội được chẩn đoán viêm dạ dày, loét dạ dày, gan nhiễm mỡ, yêu cầu bỏ rượu. Chỉ vài ngày, anh lại tiếp tục đi nhậu, riêng ngày lễ tết thì tần suất tăng gấp 4 hoặc 5 lần ngày thường.
Anh Minh, 30 tuổi, cũng nói ngồi vào mâm thì rất khó để từ chối. Với anh, uống rượu trở thành "văn hóa công sở", ai không biết nhậu thì chơi một mình. Nhiều lần, anh chóng mặt, đau đầu, "say nguội" không thể tập trung làm việc. Có hôm, Minh ôm bụng ngồi nhà vệ sinh vì đau bụng, co thắt dạ dày. Về nhà, anh thường xuyên bị vợ nhắc nhở vì thói ăn nhậu.
"Tôi giải thích uống rượu vì cả nể, sợ mất lòng còn vợ cho rằng tôi không có kỹ năng từ chối, không biết chọn người mà nhậu", anh nói.
Lễ Tết là dịp đặc biệt để gia đình, bạn bè sum họp. Ngoài những món ăn truyền thống thì rượu là thức uống luôn có sẵn trên mâm cỗ. Tuy nhiên, lạm dụng rượu bia, đặc biệt thói sát phạt, "ép" rượu rất nguy hiểm đến sức khỏe. Đây còn là nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ ẩu đả và tai nạn do người điều khiển phương tiện giao thông say xỉn mất kiểm soát.
Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia quy định người có hành vi xúi giục, kích động, lôi kéo người khác uống rượu, bia bị xử phạt từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng. Riêng việc ép buộc người khác uống rượu, bia bị xử phạt 1-3 triệu đồng.
Ép rượu là thói quen xấu, gây hại sức khỏe trước mắt và lâu dài. Ảnh: Henryford
Bác sĩ Hoàng Tiến Trọng Nghĩa, Trưởng khoa Nội Thần kinh, Bệnh viện Quân y 175, cho biết mỗi người có tửu lượng khác nhau nên việc ép rượu và uống quá ngưỡng rất nguy hiểm. Bởi rượu bia là đồ uống chứa cồn, khi uống đều gây hại cho tất cả bộ phận cơ thể, nặng nhất là não và hệ thần kinh trung ương, đến gan, thận, tim, dạ dày.
Theo số liệu thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), 46% số ca tử vong là do hậu quả của rượu bia, các bệnh không lây nhiễm như tim mạch, đái tháo đường và ung thư. Tiếp theo là chấn thương (chủ yếu là tai nạn giao thông) và bệnh đường tiêu hóa (xơ gan). Rượu là nguyên nhân trực tiếp gây hơn 30 loại bệnh không lây nhiễm và gần 200 loại bệnh tật khác, đứng thứ ba trong số các nguyên nhân dẫn đến tử vong sớm và tàn tật trên thế giới.
Khi vào cơ thể, rượu ngay lập tức làm gián đoạn hoạt động truyền tin của các tế bào thần kinh, nhất là hệ thần kinh cấp cao, dẫn đến tình trạng ức chế thần kinh và làm cho người uống rượu mệt mỏi, chóng mặt, muốn đi ngủ.
Rượu ức chế sự giải phóng vasopressin, một loại hormone do não sản xuất để gửi tín hiệu đến thận khiến người uống rượu khát nước, chóng mặt, khô miệng và đau đầu. Các chất sinh ra trong quá trình chuyển hóa của ethanol như acetaldehyde gây đau bằng cách tác động trực tiếp lên các tế bào thần kinh trung ương hoặc gián tiếp qua các chất tín hiệu gây đau đầu. Rượu kích thích niêm mạc dạ dày và làm tăng tiết axit, gây nên cảm giác buồn nôn và khó chịu ở dạ dày. Các thành phần khác trong rượu cũng gây nên các biểu hiện nôn nao.
PGS.TS Nguyễn Quang Dũng, Phó trưởng Bộ môn Dinh dưỡng và An toàn thực phẩm, Đại học Y Hà Nội, cho biết ép rượu không thể chứng minh tửu lượng mà chỉ khiến bạn thêm mệt mỏi do phải uống nhiều hơn, cơ thể cũng mất nhiều thời gian đào thải hơn, lâu dài ảnh hưởng sức khỏe. Đa số người uống rượu đều nhức đầu, mệt mỏi, đau nhức cơ, buồn nôn, khát nước, chóng mặt, nhạy cảm với ánh sáng, âm thanh, đổ mồ hôi. Các triệu chứng này có thể xảy ra trong quá trình uống rượu hoặc sau vài giờ, thậm chí kéo dài cho tới ngày hôm sau, ảnh hưởng rất nhiều đến công việc và cuộc sống.
Đồ uống có cồn làm tăng nguy cơ huyết áp cao, thậm chí suy tim, đột quỵ nếu uống trong thời gian dài. Lạm dụng rượu bia gây viêm gan, xơ gan, viêm tụy cấp, đái tháo đường, đặc biệt là hệ thống thần kinh, nói không rõ ràng, điều hòa động tác cơ thể kém, tê bì, ngứa ở bàn chân, bàn tay, giảm trí nhớ.
Rượu bia còn ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa, giảm khả năng hấp thu chất dinh dưỡng, gây chướng bụng, đầy hơi, viêm loét dạ dày, tá tràng, suy giảm khả năng tình dục, sức khỏe sinh sản...
Để đảm bảo an toàn, bác sĩ khuyến cáo mỗi ngày nam giới không nên uống quá 720 ml bia hoặc 300 ml rượu vang hoặc 60 ml rượu whisky. Đối với nữ giới, mỗi ngày không nên uống quá 360 ml bia hoặc 150 ml rượu vang hay 30 ml rượu whisky. Không để cho trẻ em và vị thành niên uống rượu bia. Cố gắng kiểm soát lượng uống ở mức nguy cơ thấp nhất trong một lần.
Sau khi uống, tuyệt đối không điều khiển xe hay tham gia vào các hoạt động ngoài trời hoặc ở những nơi nguy hiểm, không an toàn, dễ bị ngã, va chạm, chấn thương.
Khi thấy biểu hiện đau đầu, đau bụng, chóng mặt, hạ thân nhiệt, huyết áp, nhìn mờ bóng mây sau uống rượu, người dân cần tới các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị kịp thời.
*Tên nhân vật được thay đổi
Thùy An