"Nhiều người tưởng dốc ngược trẻ để nước trong bụng trào ra ngoài cứu sống trẻ, song đây là cách sai lầm", bà Dương Khánh Vân, cán bộ kỹ thuật của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết tại buổi ra mắt Câu lạc bộ các nhà báo bảo vệ quyền trẻ em, đồng thời khởi động chiến dịch truyền thông về Ngày Thế giới phòng chống đuối nước, hôm 18/7 tại Hà Nội.

Đuối nước là một trong 10 nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em 5-14 tuổi. Mỗi ngày, hơn 600 người trên thế giới tử vong vì đuối nước. Tại Việt Nam, gần 2.000 trẻ dưới 16 tuổi tử vong do đuối nước mỗi năm. Chỉ riêng Bệnh viện Nhi Trung ương, những năm gần đây có khoảng 100 trẻ được cấp cứu vì đuối nước, trong đó nhiều trường hợp di chứng tổn thương não không hồi phục hoặc tử vong thương tâm.

Nguy cơ đuối nước luôn rình rập trẻ em ở khắp mọi nơi, nhất là vào dịp nghỉ lễ hoặc mùa hè. Việc sơ cấp cứu ban đầu rất quan trọng vì nguyên nhân chính gây tử vong ở trẻ đuối nước là tổn thương não do thiếu oxy. Thời gian chịu đựng thiếu oxy của não tối đa chỉ khoảng từ 4-5 phút. Qua thời gian này, não có thể tổn thương không hồi phục, gây tử vong hoặc di chứng thần kinh. Vì thế, khi một trẻ bị đuối nước không tỉnh, không thở, ngừng tim thì cần hồi sức tim phổi (thổi ngạt, ép tim) ngay.

Thực tế nhiều trường hợp trẻ đuối nước tử vong ngay, hay đưa đến viện không còn khả năng cứu chữa do việc sơ cứu sai cách. Trong đó, hành động dốc ngược trẻ lên vai rồi chạy vô tình khiến trẻ không còn cơ hội sống hoặc gây thêm tổn thương.

Anh-chup-Man-hinh-2025-07-18-l-9574-9811-1752836101.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=qZR34lkkE-XOsckrDF6YJg

Trẻ em ngoại thành Hà Nội giải nhiệt trong ao làng. Ảnh: Giang Huy

Như Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận một bệnh nhi 12 tuổi ở Nam Định bị đuối nước được người cấp cứu vác ngược chạy khoảng 10 phút. Khi không hiệu quả, trẻ mới được ép tim và đưa đi cấp cứu tại bệnh viện huyện. Trẻ có nhịp tim trở lại sau 15 phút, tuy nhiên do thời gian ngừng tim kéo dài trên 30 phút nên dù được áp dụng các biện pháp hồi sức tích cực trẻ vẫn hôn mê sâu, suy hô hấp, tiên lượng di chứng thần kinh nặng nề.

Các chuyên gia nhìn nhận mùa hè và kỳ nghỉ kéo dài là thời điểm trẻ em thường xuyên bơi lội hoặc đi chơi, du lịch do đó nguy cơ bị đuối nước tăng cao. Khi trẻ đuối nước, cần nhanh chóng đưa trẻ ra khỏi nước bằng mọi cách, sau đó xem có thở không, lay gọi để kiểm tra phản ứng. Nếu trẻ không thở, hãy hồi sức tim phổi (CPR) ngay bằng cách thổi ngạt và ép tim ngoài lồng ngực.

Đặt nạn nhân ở tư thế an toàn, nằm nghiêng, kê cao gối hai bên vai, nới rộng quần áo để phòng tránh ngạt thở trở lại. Lau khô người, thay quần áo và ủ ấm sau đó nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất.

Lê Nga

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022