Một năm gần đây, anh Hưng, 42 tuổi, chồng chị Hoài, thường khóa cửa phòng ngủ mỗi cuối tuần, từ chối đưa vợ con đi chơi với lý do mệt mỏi. Trong bữa cơm hằng ngày, anh cũng lầm lì ít nói, liên tục cáu gắt với con cái. Tiền lương anh mang về ít dần, gánh nặng kinh tế đè lên vai người vợ, khiến chị bức xúc, thường xuyên trách móc anh kém cỏi, lười nhác, "suốt ngày lấy cớ kêu mệt".

Tháng 4, anh được gia đình đưa vào Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai, sau khi có biểu hiện muốn tự sát. Bác sĩ Vũ Sơn Tùng, Phó Trưởng Phòng Điều trị Rối loạn cảm xúc, cho biết ban đầu người đàn ông "khăng khăng bản thân không có vấn đề, không muốn chia sẻ bất cứ cảm xúc hay thông tin gì với y bác sĩ". Cuối cùng, sau khi được trấn an động viên và thăm khám, anh gục đầu khóc, nói bản thân bị stress, căng thẳng, nhưng trước mặt vợ con, người thân đều "cố tỏ ra ổn, không muốn bị chê bai yếu đuối".

Cách đây một năm, anh thất nghiệp kèm theo gánh nặng gần một tỷ đồng do đầu tư chứng khoán thô lỗ. Hằng ngày, anh nói với vợ là đi làm, thực chất ra công viên ngồi hoặc chạy xe lang thang. Mỗi khi bạn đời nói cần tiền, anh "cắn răng" rút tiền từ thẻ tín dụng ghi nợ đưa. Bế tắc tài chính lẫn sự nghiệp khiến người đàn ông bị mất ngủ, lo lắng, bồn chồn, lâu dần dẫn đến chán nản, muốn tự tử.

Tương tự, anh Vinh, 35 tuổi, bị mắc trầm cảm lâu năm nhưng không đi khám. Anh không đi làm, chỉ nằm trong phòng, bỏ bê vệ sinh cá nhân. Mẹ anh thường xuyên chê con trai lười biếng, so sánh "bằng tuổi này người ta đã có sự nghiệp, gia đình, mua nhà xe, báo hiếu bố mẹ". Trong khi anh "chỉ kiếm cớ để ăn bám bố mẹ". Anh Vinh càng sinh ra chán nản, cáu gắt, ít giao tiếp, đến khi gia đình phát hiện anh có biểu hiện muốn chết, mới gây sức ép đưa con vào viện.

Hiện, người đàn ông được dùng thuốc và phương pháp điều biến não để chữa chứng trầm cảm.

605e7465fada5b8402cb-171617241-8084-9947-1716172477.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=Vg9lp9GU15bbPqDVdD__HQ

Bác sĩ hỏi tình hình sức khỏe một bệnh nhân tại Viện sức khỏe Tâm thần. Ảnh: Thúy Quỳnh

Theo Medical Daily, trầm cảm là một rối loạn tâm trạng, đặc trưng bởi sự kéo dài cảm giác buồn bã, mất hứng thú với hoạt động yêu thích trước đây cùng khả năng hoàn thành công việc thường nhật trong ít nhất hai tuần. Trầm cảm là nguyên nhân chính dẫn đến tự sát. Mỗi năm, khoảng 850.000 người chết vì căn bệnh này, theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Trầm cảm, rối loạn lo âu hiện len lỏi trong xã hội Việt Nam với ước tính khoảng gần 6 triệu người mắc bệnh, theo thống kê năm 2022. Thứ trưởng Y tế Trần Văn Thuấn cho biết tỷ lệ rối loạn tâm thần ở nước ta chiếm 14,9% dân số, tương đương gần 15 triệu người. Trầm cảm, lo âu chiếm tỷ lệ cao khoảng 5-6% dân số, còn lại là các rối loạn khác như rối loạn cảm xúc lưỡng cực, rối loạn tâm thần liên quan tới sử dụng rượu bia, ma túy và các chất gây nghiện khác.

Một khảo sát của VnExpress năm 2022 phản ánh 27% nam giới muốn được nghe tư vấn của chuyên gia để giải tỏa các áp lực về tài chính, gia đình, công việc. Các thống kê chỉ ra rằng ngày càng nhiều đàn ông trong độ tuổi 24-44 gặp các áp lực trong cuộc sống, phần lớn đến từ kinh tế, sự nghiệp; số khác đến từ hôn nhân, gia đình, các mối quan hệ xã hội... Tuy nhiên, dù chịu nhiều gánh nặng, đàn ông có xu hướng ngại chia sẻ vì xấu hổ, sợ phán xét từ những người xung quanh, bác sĩ Tùng nhận định.

Cụm từ phổ biến "man up!" (Hãy đàn ông lên!) vô hình chung tạo thành áp lực xã hội, làm sai lệch nhận thức về nam tính. Trong khi phụ nữ có thể bộc lộ nỗi đau cởi mở, nam giới có xu hướng chối bỏ, che giấu hoặc ngụy trang cảm xúc của mình, đặc biệt là sự yếu đuối.

Mặc khác, hiện rất nhiều người Việt không nghĩ trầm cảm là một bệnh lý cần được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Định kiến xã hội thường mặc định cá nhân bị trầm cảm là do bản thân họ yếu đuối, nhu nhược, không biết cố gắng vươn lên.

"Đây là một suy nghĩ cố hữu hết sức sai lầm", bác sĩ Tùng nói. "Chúng ta không thể mong một bệnh nhân nhiễm trùng tự khỏi mà không cần thuốc kháng sinh; một bệnh nhân ung thư tự cải tử hoàn sinh hay một bệnh nhân bị viêm ruột thừa hết bệnh mà không cần phẫu thuật. Trầm cảm cũng là một bệnh lý như vậy".

Tất cả lý do này khiến nam giới và gia đình của họ thường giấu bệnh, tránh để đồng nghiệp, bạn bè, họ hàng, làng xóm dị nghị. Hậu quả, đàn ông trầm cảm không được điều trị có thể rối loạn chức năng tình dục, có hành vi tự hủy hoại bản thân, nghiêm trọng hơn nữa là tự đẩy mình đến bờ vực suy sụp tinh thần, có ý tưởng hay hành vi tự sát song không ý thức được.

Các triệu chứng căn bản của trầm cảm là tâm trạng trầm buồn, mất hứng thú với công việc hay sở thích, sút cân, rối loạn giấc ngủ, mệt mỏi, mất tập trung đều xuất hiện ở nam giới. Họ cũng thường gặp các dấu hiệu "ẩn" như giận dữ, khó chịu, thu mình, suy nghĩ tiêu cực và lạm dụng rượu/chất kích thích. Trong đó, 3 biểu hiện thường bị bỏ qua nhất là đau nhức cơ thể, giận dữ, hành vi bốc đồng.

Bác sĩ khuyên nam giới có vấn đề tâm lý nên trò chuyện, chia sẻ với người thân như vợ hoặc bạn bè mỗi ngày, để căng thẳng được giải tỏa. Bên cạnh đó, nên thực hiện những bài tập thư giãn hoặc đơn giản như đi bộ dạo mát. Nếu stress không được cởi bỏ, cần đến khám chuyên gia tâm lý hoặc bác sĩ tâm thần sớm.

"Đàn ông là phái mạnh nhưng không phải lúc nào cũng cần tỏ ra mạnh mẽ. Bất kể giới tính, ai cũng có những giai đoạn cảm thấy yếu đuối, cần được cảm thông, đồng hành và hỗ trợ", bác sĩ nói.

Thúy Quỳnh

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022