Theo ghi nhận tại Bệnh viện Nhi TW, sau đợt cúm A bùng phát mạnh vừa qua, từ tháng 9 - tháng 10 lại bắt đầu xuất hiện nhiều trẻ mắc cúm B.
TS.BS Nguyễn Mai Hoàn, Trưởng khoa Khám bệnh đa khoa, Bệnh viện Nhi Trung ương chia sẻ thì năm nay dịch cúm B có nhiều điểm khác so với mọi năm; cụ thể tỷ lệ nhiễm cúm B tăng cao hơn, lây lan mạnh, tập trung nhiều ở nhóm trẻ lớn và người lớn. Nếu mọi năm cúm B chỉ là virus cúm thông thường thì năm nay, biểu hiện ở các trẻ mắc cúm B có vẻ nặng nề hơn như: Trẻ sốt cao hơn, những trẻ này khi xét nghiệm đã có bội nhiễm, trong đó chủ yếu là nhiễm khuẩn đường hô hấp. Đặc biệt các trường hợp này đều lây lan mạnh, đa số các trẻ mắc cúm B nhập viện đều có cả gia đình, lớp học cũng bị lây nhiễm".
Mọi năm, cúm B thường chỉ xuất hiện lẻ tẻ trên một vài cá thể, nhưng năm nay xuất hiện trong từng gia đình, từng nhóm đông người; người bệnh có biểu hiện nặng nề hơn; đặc biệt với những trẻ nhập viện có bệnh nền hoặc có yếu tố cơ địa đều bị nhiễm cúm B rất nặng nề.
Tất cả những điều cần biết về cúm B
Bệnh cúm B là một loại cúm mùa (có 4 type A, B, C, D) là loại virus thường gây nhiễm trùng đường hô hấp. Virus cúm B không được phân chia thành nhóm, nhưng gồm có 2 dòng đó là: B/Yamagata và B Victoria. Nhìn chung, các đặc tính di truyền và kháng nguyên của virus cúm B rất ít thay đổi và thay đổi chậm hơn so với virus cúm A. Virus cúm B chỉ gây bệnh cho người.
Trẻ mắc cúm B khi nào thì cần đưa đến cơ sở y tế?
- Trẻ sốt cao ≥ 39,5 độ C, dùng thuốc hạ sốt và các phương pháp vật lý hạ nhiệt (phòng thoáng mát 26-29 độ, chườm nước ấm tích cực) nhưng nhiệt độ không hạ. Hoặc trẻ sốt cao ≥ 38,5 độ C quá 3 ngày mà không có xu hướng thuyên giảm.
- Trẻ thở nhanh, thở bất thường: thở rít, khò khè, rút lõm lồng ngực, co kéo cơ hô hấp.
- Mạch nhanh so với tuổi (khi trẻ không sốt) vân tím, lạnh chi (khi không sốt cao).
- Trẻ không ăn/uống.
- Trẻ có biểu hiện mất nước: môi se, mắt trũng, niêm mạc miệng/lưỡi khô, khát nước đòi uống nước, hoặc đi tiểu ít (theo dõi thấy bỉm/tã ít ướt hơn bình thường).
- Thay đổi ý thức: trẻ không chịu chơi, quấy khóc, li bì, co giật…
- Trẻ lớn thấy kêu đau bụng/đau ngực, nôn nhiều...
- Hoặc cha/mẹ/người chăm sóc cảm thấy lo lắng bất an về trẻ.
- Trẻ có các yếu tố nguy cơ gây bệnh nặng.
Cần làm gì khi nghi ngờ mắc cúm B?
Nếu có các biểu hiện nghi ngờ, cần đến ngay cơ sở y tế để điều trị kịp thời, tránh để bệnh kéo dài và nặng thêm, sẽ dễ gây ra các biến chứng nguy hiểm đến tính mạng.
Tùy từng trường hợp các bác sĩ sẽ chỉ định cụ thể, với cúm B có biến chứng sẽ được nhập viện để điều trị.
Tuyệt đối không nên tự ý mua thuốc và sử dụng thuốc kháng virus (như thuốc Tamiflu) mà cần phải theo hướng dẫn và có chỉ định của thầy thuốc.
Đặc biệt, khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi... cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời.