"Càng vặn kéo dài xương càng nhiều thì chân càng đau đớn", Nguyễn Thanh Loan, 32 tuổi, kể lại hôm 24/11, thêm rằng nỗi đau làm cô mất ngủ, sức khỏe suy giảm, rơi vào trầm cảm.
Vốn có thể hình cân đối, cao 1,64 mét, song Loan bất ngờ mình phát hiện bị u xương trong ống tủy, tháng 7/2022. Cú sốc khiến cô hoảng loạn, bác sĩ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 nói phải cắt vài cm xương cẳng chân, sau đó kéo dài ra chỉnh hình để hai chân bằng nhau, nếu không sẽ bị dị tật chân ngắn, dài.
Trước cuộc mổ, người phụ nữ được gây tê tủy sống. Bác sĩ đâm cây kim dài xuống xương sống lưng và trích vào thuốc gây tê. Loan cảm nhận cơn buốt chạy dọc xương sống lưng, lan tỏa khắp cơ thể, chân đơ cứng, giống như bị đóng băng. Cùng lúc, một điều dưỡng dùng kéo kẹp chiếc gạc sát khuẩn lau khắp vùng bụng, xuống dưới hai chân khiến cô cảm thấy buốt lạnh.
"Chân tôi tê cứng tới mức chẳng còn cảm giác đau nữa, cũng không biết bác sĩ dùng dao vạch vết mổ ra sao", nhưng vẫn nghe rõ tiếng máy cắt xương, tiếng khoan đục "như tiệm cơ khí đóng tàu rèn sắt thép", cô mô tả. Âm thanh khiến Loan sợ hãi, phải tự trấn an bản thân và tin vào những điều may mắn sẽ đến.
Vài tiếng sau ca phẫu thuật, người phụ nữ được chuyển tới phòng theo dõi đặc biệt. Những ngày đầu, cơ thể, chân tay đau nhức ê ẩm, bác sĩ phải kê thuốc giảm đau cho uống mới dịu lại, nhưng cô vẫn cảm nhận được sự đau đớn sau khi hết thuốc.
Chân Loan trong lúc đeo khung, điều trị kéo xương. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Một tuần sau, Loan được hướng dẫn dùng cà lê vặn khung để khiến xương tách ra, bắt đầu quá trình kéo xương. Cô sống với 8 đinh vít dài 7 cm, 18 đinh dài 10 cm và 2 đinh nội tủy dài 35-40 cm đâm xuyên xương thịt cơ trong 95 ngày. Bác sĩ khuyến khích vận động nhiều, nhất là tập đứng và đi, nhưng người phụ nữ không có người thân bên cạnh, phải thuê người chăm sóc, tự vận động để phục hồi.
Khi thực hành vặn khung ở viện, cô cảm nhận nhẹ nhàng. Song khi về nhà, lúc xương bắt đầu dài ra, cơn đau "nhức lên tận óc, vô cùng kinh khủng". "Đó chưa phải là lần đau nhất. Lúc xương dài được 5-8 cm, mới là giai đoạn khủng khiếp", Loan nhớ lại.
Càng vặn kéo dài càng nhiều theo hướng dẫn, cơn đau càng dữ dội. Loan khó chịu, gò bó vì không thể đi lại như người bình thường, trong khi chân càng lúc càng đau, nóng bỏng và ngứa rát. Thời tiết trở lạnh, người phụ nữ cảm nhận: "Như bị tưới nước sôi lên, còn trong ống xương như có sâu bọ bò mà không làm thế nào được".
Sợ uống nhiều thuốc giảm đau hại cơ thể, ảnh hưởng quá trình dài ra của xương nên Loan cố gắng chịu đựng, cho tới ba ngày trước khi phẫu thuật tháo khung, cô mới sử dụng giảm đau loại mạnh, dần ngủ ngon và đỡ đau nhiều.
Người phụ nữ tiếp tục ca phẫu thuật thứ hai, lấy hai vít ra khỏi mắt cá chân khi xương đã ổn định hơn. Hai năm tiếp theo, cô sống cùng 8 vít dài 7 cm bắt vít với hai đinh nội tủy 35- 40 cm. Cơ thể yếu hơn trước, thể lực kém và sợ bị chấn thương, khiến cô không dám tham gia các hoạt động mạnh.
Loan lưu lại những bức ảnh kỷ niệm trong thời gian kéo chân. Ảnh: Nhân vật cung cấp
PGS.TS Lê Văn Đoàn, Viện trưởng Viện Chấn thương - Chỉnh hình, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cho biết những người kéo chân chia thành hai nhóm, gồm kéo dài chân bệnh lý và nhóm thẩm mỹ. Nhóm bệnh lý là can thiệp cho người có hai chân so le thành hai chân bằng nhau. Nhóm thẩm mỹ là những người có tầm vóc thấp nhỏ sẽ kéo chân để cao lớn hơn. Tổng chi phí cho quá trình kéo dài chân ở Việt Nam khoảng vài trăm triệu đồng. Trong khi đó chi phí cho một ca phẫu thuật kéo dài chân ở Mỹ khoảng 85.000 USD(tương đương 2 tỷ đồng), ở Anh (khoảng 1,5 tỷ đồng).
Phương pháp kéo dài chân có thể kéo ở cẳng chân và đùi. Quy trình là sau khi hoàn thành quá trình kéo dài ở cẳng chân, nếu bệnh nhân có nhu cầu thì tiếp tục kéo dài ở đùi. "Thêm 8-10 cm chiều cao là sự thay đổi rất đáng kể về ngoại hình một con người. Vì vậy, rất ít người có nhu cầu kéo dài cả cẳng chân và đùi, hầu hết chỉ kéo dài ở cẳng chân", bác sĩ Lượng nói.
Trước năm 2011, khi kéo chân theo phương pháp cổ điển, tức bệnh nhân phải đeo khung kéo dài hàng năm trời, thì số lượng bệnh nhân rất ít. Nay sử dụng phương pháp mới, thời gian mang khung ít hơn, chỉ khoảng 3 tháng và sử dụng đinh nội tủy, số lượng người kéo tăng lên, trung bình Bệnh viện 108 ghi nhận khoảng 30-40 ca/năm, nam nhiều hơn nữ, hai phần ba dưới 30 tuổi.
Nhiều người bị hạn chế chiều cao muốn thực hiện loại hình phẫu thuật này song lo sợ đau đớn. "Dĩ nhiên, không có gì là dễ dàng, tất cả bệnh nhân phẫu thuật kéo dài chân đều phải có quyết tâm và ý chí rất lớn", chuyên gia cho hay.
Loan tự tin thả dáng với đôi chân nuột nà sau kéo. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Hiện, một bên chân bị cắt xương của Loan dài thêm 8,4 cm, bên còn lại thêm 3,5 cm, không còn hiện tượng chân dài ngắn. "Nhìn lại một quá trình dài hơn 2 năm, thoát khỏi hoàn toàn đinh sắt trong cơ thể, tôi thấy tràn trề sức sống, tích cực hơn, biết ơn cuộc đời", người phụ nữ tâm sự.
Thúy Quỳnh